16:38, 25/11/2010
Đêm qua nằm ở gác trọ nghe gió rào rạt thổi từng cơn qua khung cửa sổ, trời lất phất mưa phùn. Giữa đêm khuya đang ngủ bất chợt tỉnh giấc vì một cảm giác lành lạnh len lỏi vào da thịt, tôi lọ mọ lôi chiếc chăn mỏng trùm kín đầu rồi tiếp tục chìm vào giấc ngủ. Sáng dậy sớm lên cơ quan, bỗng nhận ra hôm nay có gì đó khang khác ngày thường, đẩy chiếc xe máy ra khỏi phòng bỗng thấy lạnh, tôi trở vào tìm chiếc áo ấm khoác lên người. Đường phố hôm nay thưa vắng, dòng người cũng không hối hả, tôi chợt nhận ra không phải chỉ riêng mình mặc áo ấm mà mọi người ai cũng mặc. Tôi chợt à lên: Tây Nguyên đang vào tiết giao mùa. Cái lạnh ở đây không đậm đặc như mùa đông miền Trung quê tôi. Xa quê đã gần 2 năm, tôi lại chợt nhớ về mùa đông nơi ấy, với cái lạnh như cắt da, cắt thịt đã in sâu vào tâm trí.
|
|
Khoảnh khắc giao mùa gợi nhớ trong tôi những cơn gió mùa đông bắc mang cái lạnh đến rất nhanh, chỉ một đêm thôi, sáng ra mọi sinh hoạt gần như phải thay đổi. Mỗi đợt gió mùa đông bắc tràn về, mẹ tôi lại lôi từ trên gác xuống lỉnh kỉnh bao nhiêu là thứ chăn ấm, còn chúng tôi phải khoác lên mình những chiếc áo dày cộm, rất khó chịu, với cảm giác như mình to ra, khiến dáng đi khệnh khạng trông như những chú rô bốt, muốn chơi đùa, chạy nhảy thoải mái cũng khó. Vẫn nhớ, thời đó nhà tôi có nuôi trâu bò cày ruộng, mỗi lần gió mùa đông bắc tràn về, mấy anh em được cha mẹ giao nhiệm vụ, ra vườn chuối sau nhà hoặc đến hàng xóm xin những tàu lá chuối đã khô về treo lủng lẳng xung quanh và giữa chuồng trâu bò để chống rét, xua đuổi bọn ruồi muỗi, mòng mòng chuyên hút máu trâu bò vào mùa đông. Gió mùa đông bắc tràn về mang theo cái lạnh, nhưng trời vẫn hanh nắng và những cơn gió nhẹ thổi qua làm cho da ai cũng bị khô, với cảm giác bứt rứt khó chịu, nhất là lũ trẻ chúng tôi, da chân tay xù xì, bạc thếch, chỉ cần gãi nhẹ thì xuất hiện những vệt dài màu trắng trên da trông rất buồn cười - quê tôi thường gọi là bị phể - nhiều người lớn thường đùa chúng tôi là do lười tắm nên bị đất bám. Hồi đó, để bảo vệ da không bị nứt nẻ, chúng tôi thường bôi một loại sáp có tên Anh Đào (còn gọi dầu phể), giá chỉ năm trăm đồng một hộp nên trong nhà trữ rất nhiều, ai cũng được mẹ mua cho một hộp riêng, lấy sáp xoa lên khắp chân tay và bôi cả lên môi trước khi đi ngủ. Những đứa trẻ lên ba, lên năm “thò lò mũi xanh” thường đưa tay quệt ngang nên để lại dấu tích là những lớp mũi nước bị gió thổi cho khô lại trên môi, má trông nhếch nhác đến tội nghiệp. Mùa đông, tắm có lẽ là một cực hình với lũ trẻ, ai cũng sợ lạnh nên nhiều hôm chơi đùa mệt, người bám đầy đất, chúng tôi cũng chỉ rửa qua loa rồi chui vào chăn nằm ngủ ngon lành, nhiều hôm bị cha mẹ mắng hoặc dùng roi đánh vào mông, vậy vẫn không chừa. Tôi thích nhất là được chui vào chăn nằm cùng mẹ, và thường hay co mình cuộn tròn giống như con cuốn chiếu, nhiều hôm đang ngủ bỗng giật mình tỉnh giấc vì có cảm giác một cái gì đó rất lạnh chạm vào da thịt, đó là mẹ tôi, vì mãi làm việc nên ngủ muộn, còn tôi đã ngủ say từ bao giờ, lại nằm quay ngang giường, mẹ nhẹ nhàng đặt tôi nằm lại ngay ngắn, nhưng bàn tay trần của mẹ vô tình chạm vào da, khiến tôi bị lạnh và giật mình tỉnh giấc. Thời đó, nhà tôi nấu rượu để bán cho các quán nhậu nên chúng tôi thường lấy nước từ thùng làm lạnh ống dẫn rượu để tắm (vì nó rất ấm), do 2 – 3 ngày mới nấu một nồi nên anh em tranh nhau nước tắm, khi dội nước lên người thì toàn thân bỗng bốc một lớp hơi màu trắng như sương nghi ngút, những lúc như vậy tôi thường hỏi mẹ những câu rất ngây ngô, người con sao bốc khói? khói của người nằm ở đâu hả mẹ?
Thuở nhỏ tôi không thích mùa đông, vì mùa đông quê tôi rất lạnh, tôi sợ cảm giác phải vừa tắm vừa run lập cập, da lúc nào cũng thô ráp, rân rân khó chịu, nhất là môi bị nứt nẻ rất đau, thế nhưng tôi lại háo hức mong nhanh đến mùa đông bởi lẽ, khi mùa đông đến cũng có nghĩa là sắp đến tết, lúc đó lũ trẻ chúng tôi sẽ được quà, được lì xì, được mua những bộ quần áo mới.
Lê Sông Lam
Ý kiến bạn đọc