Mái bếp quê
Nơi bắt nguồn mạch sống thường nhật và nhen lên không khí đầm ấm của mỗi gia đình ở miền quê, đó là mái bếp. Ở đấy ta thường thấy có những làn khói lam bay lên nhè nhẹ trong chiều muộn, thấy gương mặt mẹ hiền suy tư sau một ngày lao động nhọc nhằn, những giọt mồ hôi lăn dài trên má vì ngọn lửa bừng lên. Và cũng ở đấy ta bắt gặp dáng mẹ hao gầy, liêu xiêu in trên vách đất lúc gà chưa gọi sáng. Mẹ ăn vội vốc cơm nguội với mắm cà, hối hả gồng gánh rau dưa ra chợ làng lúc trời còn sương giăng mờ mịt. Cả một đời mẹ tần tảo vì chồng, vì con. Mẹ âm thầm cam chịu mọi hy sinh mà chẳng hé răng than vãn nửa lời.
Mái bếp lợp tranh, trát đất, chừa những ô cửa bằng cây tre già, có những cái chốt cây đóng chặt vào vách dùng để mắc xoong, nồi, chảo; là nơi mỗi chiều đông bập bùng ngọn lửa, cả nhà ngồi quây quần bên nhau nhai bắp rang, nghe bà kể chuyện đời xưa có cô Tấm ngoan hiền, nhưng chịu nhiều khốn khổ; nơi cha mẹ bàn tính chuyện đồng áng cho vụ mùa sắp tới. Mái bếp còn là nơi lũ trẻ chúng tôi lùi những củ khoai lang, khoai sắn, khoai hạ đi đào mót ở vườn làng; nơi cha đi đánh lưới đồng về rét cóng ngồi hơ hai bàn tay tê dại.
Những lần đến giỗ chạp, mẹ thức thâu đêm bên bếp lửa canh chừng nồi bánh tét sôi sùng sục, than củi nổ lép bép vui tai. Còn chị gái tôi thì vào bếp tập nấu nướng để làm người lớn và có những lần chị nấu cơm khê, canh nhạt bị cha mắng mỏ, xuống bếp ngồi khóc một mình. Chỉ có con cún con và mèo mướp là vô tư khoanh tròn bên bếp lửa cho qua cái rét mùa đông dai dẳng. Một lần cún con ngủ say bên bếp lửa, đốm than hồng ngún cháy tận lông, Cún ta chẳng hiểu mô tê gì bật dậy vừa chạy, vừa kêu lên ăng ẳng làm cả nhà tức cười. Cha kể sự tích bếp lửa có hai ông Táo và một bà Táo cùng chết cháy làm tôi sợ canh cánh mỗi lần xuống bếp một mình…
Nhà tôi giờ vẫn còn mái bếp, nhưng đó là ngôi nhà xây gạch, trát xi măng; nó không còn là mái bếp ngày xưa. Chuyện xưa, cảnh cũ chỉ còn là kỷ niệm hằn sâu trong ký ức đẹp đến nao lòng.
Ý kiến bạn đọc