Multimedia Đọc Báo in

Miên man dã quỳ

16:03, 04/12/2010

Tháng 10, trời Tây Nguyên lất phất mưa kèm theo gió lạnh vào buổi sáng, đến chừng giữa trưa thì bắt đầu hửng nắng. Ngày này, trên những con đường về các buôn làng tôi chợt nhận ra một nét đẹp rất riêng, rất lạ - đó là những rẫy cà phê đang độ chín rộ, trái đỏ mọng trĩu cành nhìn đến thích mắt. Nhưng một nét đẹp đậm chất Tây Nguyên khác cuốn hút tôi hơn đó là những triền dã quỳ hai bên đường đang nở hoa vàng rực, vươn mình về phía mặt trời, cánh hoa hãy còn đọng hơi sương đung đưa trong gió sớm. Khung cảnh đẹp kỳ lạ đó dễ khiến lòng người quên đi chính mình, muốn hòa mình vào thiên nhiên, miên man theo một dòng suy tưởng, như biến thành gã lãng du ca thả hồn trôi...

 

Trên một số tuyến đường lớn, thỉnh thoảng bắt gặp những đôi tình nhân trong trang phục áo cưới tay trong tay dạo bước, cô dâu với bộ váy tinh khôi xúng xính bên nhánh hoa dã quỳ, nở nụ cười rạng rỡ chất chứa niềm hạnh phúc viên mãn. Thì ra họ đang “mượn” dã quỳ để làm nền cho album ảnh cưới. Một ý nghĩ chợt đến nhanh trong đầu: mùa dã quỳ - mùa hạnh phúc, mùa những cánh chim rừng bay đi làm tổ, mùa để những đôi bạn trẻ tìm đến bên nhau cùng chung mái nhà hạnh phúc. Tôi tự hỏi, lẽ nào dã quỳ nở lại có một ý nghĩa nào đó về hạnh phúc? Lục lọi trong kho tàng sự tích về các loài hoa, tôi tìm thấy sự tích hoa dã quỳ. Chuyện kể rằng:

Ngày xửa ngày xưa, nơi buôn sóc nọ có chàng K’lang của núi rừng yêu tha thiết nàng H’limh của con suối. Ngày ngày K’lang vào rừng săn bắt thú rừng còn nàng khéo léo dệt tấm chăn kiệu chồng (vì theo tục lệ của bộ tộc, người con gái trước khi lấy chồng phải dệt một tấm chăn thật đẹp để mang về nhà chồng). Rồi tối tối họ lại quây quần đốt lửa và múa hát cùng dân làng trong buôn. Cuộc sống vui vẻ hạnh phúc của họ cứ như thế trôi đi. Đến một ngày kia, khi H’limh chờ hoài đến tối mà vẫn không thấy K’lang đi săn về, lo lắng, từ buôn sóc nàng đi tìm K’lang, nàng cứ đi, đi mãi, đi hết mười mấy con suối, mười mấy ngọn núi rồi mà không thấy bóng dáng người yêu của mình đâu cả. Mệt quá nàng ngủ thiếp đi, trong giấc mơ nàng thấy K’lang gọi nàng và bảo nàng hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng ở đó. Nàng giật mình tỉnh giấc rồi đi tiếp đến cuối nguồn, nàng nhìn thấy K’lang đang bị những tên hung ác của bộ tộc Lasiêng trói chặt. Nàng chạy lại ôm lấy người yêu mặc cho những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào da thịt. Mặc cho bao nhiêu đau đớn nàng vẫn quyết bảo vệ người yêu cho tới khi nàng bị trúng mũi tên độc cuối cùng của chàng La Rihn con trai tộc trưởng Lasiêng. Vì quá hờn ghen với tình yêu của H’limh dành cho K’lang chàng đã buông lơi mũi tên hận tình. Chàng cũng không ngờ người lãnh trọn mũi tên nghiệt ngã ấy lại là H’limh – người con gái mà chàng ngày đêm thương thầm trộm nhớ nhưng không được đáp lại.

Từ đó, cứ mỗi độ tháng mười nơi nàng H’limh chết lại nở ra một loài hoa có màu vàng rực. Người ta thường gọi là hoa dã quỳ. Cây dã quỳ rất dễ mọc và mọc rất nhanh, những cánh hoa màu vàng tràn đầy sức sống mãnh liệt như tình yêu chung thủy.

Lê Sông Lam


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Ngày không nắng
01:02, 27/11/2010
Ngày không nắng
01:02, 27/11/2010
Hoài niệm mùa Đông
16:38, 25/11/2010
Hoài niệm mùa Đông
16:38, 25/11/2010
Tiếng trống trường
16:27, 25/11/2010
Tiếng trống trường
16:27, 25/11/2010
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.