Cắm câu trên đồng
Cơn mưa đầu mùa là ngày vui tột cùng của lũ cá đồng qua bao ngày tháng ẩn mình dưới ao, bàu, mương, rãnh… có dịp ào lên những chân ruộng trơ gốc rạ theo con nước chảy xối xả từ phía dòng sông để đẻ lứa đầu tiên. Đây còn là ngày vui của lũ trẻ con miền quê đội mưa, cưỡi gió vác cần câu hể hả chạy câng câng cắm câu trên đồng giữa lúc ban ngày.
Những chú cá tràu háu nước táo tác phóng lên ruộng tắm táp dòng nước mát lành và độp ngay những con nhái bầu, dế duỗi nhảy tung tẩy trên mặt nước, kể cả “những con mồi cạm bẫy”, tạo nên những tiếng reo hò thích thú cho lũ trẻ cắm câu.
Tuổi thơ tôi là chuỗi ngày dài tràn ngập niềm vui với hương đồng gió nội. Trước mùa mưa, cha tôi chặt những cây tre suôn óng trong vườn nhà, ngồi vót cần câu và đan giỏ đựng cá cho tôi. Những chiếc cần câu cha tôi vót vừa chắc chắn, vừa mềm dẻo. Cha gắn lưỡi câu vào thẻo cước rất điệu nghệ. Con cá nào không may “nếm mồi” chiếc cần câu cắm của tôi thì đừng hòng sổng mất.
Thường thì quá buổi trưa ngày đông tôi đã đào trùn bỏ vào chiếc lon sữa bò, vác bó cần ra đồng cắm chiếm chỗ trên những bờ ruộng chạy dài. Khi trời bắt đầu ngả về chiều là tôi mắc mồi thả ngay xuống nước và bắt đầu đi bắt nhái. Lũ nhái bầu đang chổng lưng, rán hơi thi nhau kêu còn cọt, phơi cái yết hầu trắng hếu, tôi chộp không sẩy một con.
Trời sập tối, lũ cá đồng sục sạo kiếm mồi. Thi thoảng vang lên tiếng ũng oãng nghe sướng rân người. Tôi hồi hộp đi lần cần (kiểm tra cần câu). Những chú cá nào háu ăn thì khó mà thoát được chiếc cần câu “oanh liệt” của tôi. Muốn giữ cho cá sống đến ngày hôm sau, tôi chỉ còn cách cắt luôn thẻo cước vì các chú cá nuốt chửng con mồi vào tận ruột gan. Tôi lần cần và thay mồi trùn bằng mồi nhái để con mồi sống được lâu và kích thích sự tham ăn của lũ cá sục sạo ven bờ.
Có những lúc trời sẩm tối mưa như thác đổ, tôi xách giỏ cá co ro đi dọc theo bờ ruộng với chiếc đèn bão cỏn con hắt ra màu sáng vàng vọt, xanh xao. Vậy mà lòng tôi cứ tràn ngập niềm vui sướng. Mỗi lần tôi về nhà, thường có cha, mẹ ngồi chong đèn chờ đợi. Cha tôi thấy những con cá tràu, cá trê mập tròn mà tôi trút ra chiếc thau nhôm giãy rần rật, mắt cha sáng lên: “Thằng Út giỏi quá! Nó sát cá còn hơn tôi bà ạ”. Mẹ thì cười mãn nguyện, lặng lẽ bưng thau cá đi lấy chiếc rổ tre đậy lên trên cho chắc chắn và miệng luôn nhắc: “Thằng Út đi rửa ráy rồi ăn cơm kẻo đói. Chà lạnh dữ hông!”
Những con cá tràu, cá trê nào bụ bẫm mẹ dành để đem ra chợ làng bán đi, còn lại vài ba con cá tràu cẫng (nhỏ bằng cán câu liêm) mẹ để lại nấu canh chua với lá môn dề, hoặc kho với lá gừng, mắm cái. Số tiền bán cá mỗi ngày mẹ giao hết cho tôi để tôi vỗ béo con heo đất, rồi mỗi tết đến tôi đập con heo đất, cùng mẹ nhặt những đồng bạc giấy, bạc cắc đi sắm đồ tết cho tôi.
Đến tận bây giờ, đêm đêm trong giấc mơ, tôi vẫn còn nghe tiếng cá quẫy…
Ý kiến bạn đọc