Thương lắm tò he ơi...
Sinh nhật bạn, tôi mang đến một con tò he, nhiều người tròn mắt ngắm như lần đầu tiên trong đời nhìn thấy. Nghĩ mãi chẳng ra món quà sinh nhật nào thích hợp, bất chợt nhìn thấy một chiếc xe đạp nặn tò he đậu bên lề đường, tôi ghé vào xem và bất chợt nhớ lại thú chơi của thuở thiếu thời.
Ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi thường vây quanh chiếc xe đạp cà tàng trên yên sau là chiếc hộp gỗ nhỏ chia ngăn đựng bột gạo pha nhiều màu khác nhau. Dưới những ngón tay nhanh nhẹn, khéo léo, người đàn ông ngắt từng mẩu bột tạo nên đủ thứ hình dạng sinh động, đáng yêu, gắn vào đầu que rồi cắm xuống hàng lỗ đục trên thành hộp. Lũ trẻ chúng tôi đầy háo hức được cầm trên tay những con tò he hình chó, mèo, chim chóc, rồng, sư tử, hoa lá, mâm ngũ quả, lễ vật cúng gia tiên, nhân vật lịch sử của ta và Tàu từ bà Trưng, bà Triệu... đến Quan Công, Trương Phi... giống y như thật. Người đàn ông vừa nặn tò he vừa kể những câu chuyện liên quan đến các nhân vật được nặn…
Đời sống khá dần lên, đồ chơi từ Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc... bày bán khắp nơi. Trẻ em mê mẩn những món đồ chơi phong phú, hấp dẫn như robot, xe hơi, máy bay, quạt cầm tay, điện thoại di động, vương miện có đèn... Tò he từ từ biến mất trong cuộc sống. Cùng số phận với tò he là những món đồ chơi quấn bằng lá dừa nước thành hình con châu chấu, bọ ngựa...; cái lùng tung lắc nên những âm thanh vui tai; con rắn, con sâu bằng giấy co dãn; chiếc lá bồ đề nhuộm màu rực rỡ, con diều tự tay phất bằng giấy bản gởi những giấc mơ theo gió bay cao... Người đàn ông có đôi bàn tay đầy những vết đồi mồi không khỏi ngỡ ngàng khi tôi đặt một con tò he làm quà sinh nhật, rồi bảo: ‘‘Hạt gạo là ngọc thực trời cho để nuôi sống con người, nay lại lấy làm thứ đồ chơi, chơi xong chốc lát vất đi là không nên. Phải biết trân trọng những gì là nguồn cội… ».
Món quà tò he hẳn không mang tới điều gì rõ rệt nhưng chắc chắn dẫn dắt anh bạn tôi trở về xứ sở thần tiên của tuổi nhỏ, nơi những đứa bé chạy chân đất bẻ lau đánh trận, nơi chú Cuội thao thức nhớ nhà... Một góc kỷ niệm thơ ấu bồi hồi trở dậy để mở cửa, bước vào thế giới thần tiên là chốn ai cũng từng trải qua nhưng lại quên mất khi bước chân vào làm người lớn, và mấy ai còn nhớ đến những chú tò he bằng bột nếp được những tạo hình từ những đôi bàn tay khéo léo của người Việt Nam? Nên thương lắm tò he ơi…
Bùi Hữu Cường
Ý kiến bạn đọc