Multimedia Đọc Báo in

Kỷ Vật

21:14, 25/06/2011

Năm nay mưa nắng thất thường. Nắng và mưa đan xen sau tết và chớm hè. Có lúc, trời oi ngột ngạt và cũng có lúc trời lạnh với bấc kéo về. Thời tiết làm cho người luống tuổi thêm phần mệt mỏi. Như má tôi khi đêm trời trở gió; bên ngoài hàng cây ven đường xào xạc thì trong phòng kín tiếng má trở mình làm tôi tỉnh ngủ. Hỏi thì má bảo “Mùa này ở quê...”. Tôi im lặng. Quê ngoại bây giờ đã xa, ít có dịp về và mùa này, lúa đồng đã trĩu, quang gánh đã chuẩn bị cho mùa thu hoạch gần kề. Nơi đó, những cô gái làng như má năm xưa cũng đã rộn ràng...

Những cô gái làng sinh ra trên đồng ruộng, từ lúc lên mười, đôi quang gánh là vật thân thiết chân quê. Một cô thôn nữ miền Trung mảnh mai, chiếc đòn gánh mỏng manh, đôi thúng xinh xinh đặt trong đôi quang thanh mảnh với dăm món hàng ra chợ mỗi tuần một phiên. Khi các cô có gia đình, đôi quang gánh lại lớn dần cùng những đứa con và đôi vai dần hằn chai. Nhiều lúc tôi chợt nghĩ, hình dáng đất nước như người mẹ cong gầy hướng ra biển lớn, một thời tần tảo với bao biến cố vẫn gập người ôm trọn những đứa con và nơi gầy cong nhất là miền Trung của tôi. Má tôi về phố mà vẫn nhớ quê, nhắc hoài những vật thân thiết như là đôi quang gánh ngày cũ, dù bây giờ má không thể cúi người nhấc nó lên. Nhưng đó là một thời của má.

 
Nơi làng quê cạnh núi, cạnh sông, cạnh đồng lúa mà lâu rồi chưa có dịp về, tôi từng thấy cha chọn thanh tre đực để làm đòn, còn đôi quang được uốn rộng vành để đặt vào đôi thúng đã quét nhựa dầu. Má chọn bạn đường xa là đôi quang gánh ấy mà vượt cồn chang nắng, mà qua bến sông này sang bãi sông kia. Nó thân thiết với má bao mùa, nó cùng má vượt bao gian nan khổ nhọc trong nắng dãi mưa dầu và ngay cả thời chiến tranh, khói lửa vẫn một bên quang gánh là nồi niêu, gạo muối, một bên là đứa con út đặt gọn trong lòng thúng, một tay giữ gánh, một tay dắt đứa con cả mà gánh gồng cùng bom đạn.

Lâu rồi má và tôi chưa về thăm quê bởi nơi ấy cũng chẳng còn ai. Bạn cũ đã già, đứa còn, đứa mất thì người thân đương nhiên cũng chẳng còn. Nhưng ở phố, trên căn gác nhỏ, còn một kỷ vật của má là đôi quang gánh một thời khi rời quê má mang theo giờ đã lên nước đen bóng, treo hẳn trong góc với nồi ba, chảo bốn, mâm đồng đựng trong đôi thúng mà má thường lau chùi cẩn thận như một người bạn trong những năm tháng cũ xa xôi theo má về phố.

Trưa nay, trời lại oi nồng, dưới tán cây rợp mát trước sân, những gánh hàng rong qua lại và có đôi quang gánh đặt hẳn lên thềm nhà như một sự hẹn trước. Đó là bạn má, dù cô ấy nhỏ hơn má với áo bà ba nâu sờn, chiếc nón rách vành đang phe phẩy kiếm chút gió mát và nụ cười khi nhận từ tay má ly nước. Má đã nhường hẳn ghế, còn mình thì với tay trên vành thúng và ngồi hẳn lên chiếc đòn gánh đã bóng nước ngà, bàn tay mân mê từng cọng nan tre của đôi quang. Câu chuyện có lúc ngắt quãng vì có người gọi mua hàng và sau đó là tỉ tê cho đến khi bạn má đứng lên, cúi người nâng chiếc đòn gánh cùng đôi quang mà đi vào vùng nắng ngập tràn trên con đường phía trước. Và má cứ nhìn theo, theo mãi qua ngã tư phố. Tôi biết, chiều nay, má sẽ lên căn gác nhỏ, săm soi lại kỷ vật của mình mà nhớ một thời đã qua. Và cũng đêm nay, má sẽ trở mình khi gió thổi về xào xạc hàng cây trên phố.

Huỳnh Thạch Thảo

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Xa rồi hơi ấm mẹ
11:09, 19/06/2011
Xa rồi hơi ấm mẹ
11:09, 19/06/2011
Phuợng nhớ
10:46, 12/06/2011
Phuợng nhớ
10:46, 12/06/2011
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.