Multimedia Đọc Báo in

Rơm rạ quê nhà

06:58, 16/07/2011

Bầu trời cao xanh, nắng trong vắt pha lê tràn trên mọi nẻo đường làng, bản phố. Trưa lặng như tờ, cây cối đứng yên, một mùi hương ngào ngạt từ đồng lúa bay về. Những thảm lúa uốn câu, rộ vàng trải tận tít tắp chân trời. Nhớ những chiều khi hoàng hôn buông tím, cùng bạn trên đường đi học về la cà. Con mương đưa dòng nước mát trong xanh, hiền hòa. Bên sát mép nước của con mương nội đồng là những thửa ruộng lúa nếp hoa vàng, uốn câu thơm đến xao lòng, thứ lúa nếp đặc sản quê tôi như gọi mời, quyến rũ. Tôi cùng mấy đứa bạn, mỗi đứa ngắt vài bông đưa vào cặp, chờ khuya lắc, khuya lơ khi người lớn đã đi nằm, cũng là lúc chúng tôi học bài xong, đem những bông nếp thơm lừng ra tuốt những hạt mẩy vàng hươm… để rồi nhờ chị hay bà đem rang. Trong lung linh ngọn lửa, những hạt lúa nếp khô dần, nổ giòn reo vui, mùi thơm lan tỏa, bay dậy. Chúng tôi đùm gói kỹ để thưởng thức khi đến trường.

 
Khi trên đồng lúa đã trải một màu vàng, nào lúa nếp hương, lúa tám thơm… hương ngào ngạt; bà con đổ ra đồng gặt rộn ràng, nhấp nhô nón trắng. Từ tinh mơ, khi màn sương giăng mờ trắng, cho đến lúc mặt trời lụi, cánh đồng nhộn nhịp tay liềm, tay hái. Rồi tiếng máy tuốt lúa rào rào, mùi rơm mới, mùi lúa thơm cứ xao xuyến niềm vui khôn tả. Bà nội tôi với đôi đũa tre óng, dài, ngồi tuốt những bông lúa nếp. Bà cẩn thận chọn và sắp từng bó cuộng rơm nếp to để dành bện chổi vừa bền, vừa chắc dùng quanh năm. Những sân rơm ngồn ngộn, nhà nọ tiếp đến nhà kia. Người lớn, đến con trẻ như say vào mùi hương của lúa, rạ rơm ngày mùa. Những cây rơm hình nấm khổng lồ, được lũ trẻ chúng tôi hiếu kỳ nhất. Tôi vẫn thích trèo lên xây cây rơm cho ông nội. Ông tôi chặt một cây tre thẳng, nhặt mắt chôn chặt trên mặt đất để làm cột rơm. Cây rơm như hình tháp cứ cao dần, đây là kho lương dự trữ ngày ba, tháng tám cho con bò to, vàng rộm của ông bà. Xung quanh cây rơm, khi mùa mưa đến ẩm ướt, những cây nấm hình chiếc ô cứ mọc lên tua tủa, lúc ấy hái nó nấu với cá đồng sẽ là một món ăn cả nhà đều thích.
Bà nội tôi tóc trắng như sương chẳng bao giờ nhàn rỗi. Hết lúa ruộng nhà mình, bà lại gồng gánh đi mót thóc rơi vãi. Bà có một cái chổi bằng những chiếc rễ tre cũng được bà chọn, cắt đều để quét lúa rơi nơi bờ cỏ. Đi quét về, bà lại mang thứ lúa lẫn đất ấy ra bến sông để đãi sạch lấy những hạt vàng, mẩy, chắc. Bà bảo: Đây là những hạt lúa chắc và đẫy nên mới bị rụng xuống khi va quệt. Những hạt thóc này bà bảo tôi hằng ngày cho gà, ngan ăn chóng lớn.

Bây giờ, vào mùa thu hoạch, làng quê rộn ràng hơn với máy vò lúa, máy gặt đập, rơm rạ phơi ngay trên đồng cạn. Mùa gặt hối hả, rộn ràng, rơm vàng lúa thơm còn say mãi đến muôn đời…

Bùi Vũ Liêm

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Hoa quê
06:52, 16/07/2011
Hoa quê
06:52, 16/07/2011
Đàn Gỗ
11:31, 09/07/2011
Đàn Gỗ
11:31, 09/07/2011
Tiếng gàu khua trăng
17:10, 02/07/2011
Tiếng gàu khua trăng
17:10, 02/07/2011
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.