Multimedia Đọc Báo in

Xao xác gà trưa...

18:11, 14/08/2011
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng…

Câu thơ não nùng kia là của ai? Xin thưa: Lưu Trọng Lư. Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng/ Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng/ Chập chờn sống lại những ngày không…. Ờ, kể ra thì hoài niệm ấy, không gian ấy - nhất là trong cảm thức của một người thơ Thơ hơn cả thơ  – đương nhiên… não nùng thật, không sai! Ai không tin, xin cứ thử một lần trải nghiệm khắc biết. Còn tôi, thì tin lắm; bởi trời sinh tôi cũng có cái máu trên mây giống Lưu thi sĩ. Mà không chỉ trên mây, tôi lại còn đèo bòng thêm cái xuất thân “gốc rạ”. Và đã nói đến dân gốc rạ thì tiếng gà trưa đương nhiên chẳng lạ, đương nhiên đã bắt đầu nghe từ lúc nằm nôi (nằm võng thì đúng hơn!), nghe lâu đến mức trở thành ám ảnh, thành nghiện, thành siêu thương siêu nhớ; để rồi đến một lúc nào đó trên đường đời muôn nẻo, ta bất chợt nhận ra những tiếng “ò ó o…” xao xác ban trưa đã hằn sâu tự lúc nào trong tâm thức - như con dấu sắt nung đóng hằn lên vai gã tội đồ khiến hắn vô phương chạy trốn. Mà sao lại phải… chạy trốn? Xin lỗi, ấy chỉ là một giả định cho vui nhà vui cửa chứ gã tội đồ (là tôi) hình như cũng chưa bao giờ muốn trốn, cho dù cái âm điệu gà trưa kia cũng (giống người thơ) không kém não nùng, không kém phần gợi thương gợi nhớ; và - đương nhiên – gợi luôn cả những hoài niệm rượi buồn…

 
Chẳng hiểu vì sao trời sinh ra lũ gà (ngoài chuyện gáy sáng) lại mang thêm cái thông lệ gáy… trưa? Ừ, thì truyện tích, truyền thuyết thi nhau tán dương, thi vị hóa công năng tiếng gà gáy sáng thì nhiều, nhưng đố ai tìm đâu ra được một hư cấu nào hơi hơi… đáng giá dành cho tiếng gà trưa. Phải chăng vì dân ta vốn chuộng thực tiễn? Tiếng gà gáy sáng rõ rành rành là phục vụ cho lợi ích thiết thân trước mắt: đánh thức người trở dậy đúng lúc mà lo toan công việc. Ngày nhà quê chưa có (hoặc chưa sắm nổi) cái đồng hồ báo thức, tiếng gà quan trọng lắm. Gà đánh thức đàn ông ra đồng, đàn bà đi chợ. Gà giục giã lũ trẻ con (là chúng tôi) dậy sớm ôn bài vở, chuẩn bị cơm nước, áo quần, sách bút cho kịp đến trường. Bữa nào vì lý do gì lũ gà không gáy sáng (hoặc gáy sai giờ giấc) là hư công hư chuyện sắp lượt ngay! Dính phải sự cố này, đương nhiên, nếu thủ phạm là gà… hàng xóm thì đành chịu. Nhưng trong trường hợp gặp của nhà, chú gà trống dám cả gan chơi khăm gia chủ kia sẽ bị nguyền rủa đến tận… ông Tam Đại mới thôi; hoặc, đen đủi hơn, có khi còn phải… vô xoong mà hối cải lỗi lầm!

Trở lại chuyện tiếng gà trưa, bảo rằng nó hoàn toàn vô tích sự thì cũng… hơi oan; nhưng nếu đem quan điểm thực tiễn mà cân đo, quả nhiên tiếng gà trưa chẳng mang lại (cho phần xác) được lợi ích gì thiết thân (mà có khi còn khiến người có nhu cầu nghỉ trưa… mất ngủ!). Thế nhưng tác động đối với phần hồn thì có đấy! Hiềm nỗi, cái có ấy nhiều - ít tùy vào đối tượng, tùy theo văn cảnh. Ấy là ý tôi muốn nhỏ to rằng: chữ tùy ấy, nếu đem tính với riêng tôi thì dường nhiều lắm, dường xao xuyến lắm! Thử tưởng tượng: trưa hè, nằm đu đưa trên võng, lơ mơ thả hồn thức - ngủ; trong không gian tịch  mịch, yên ắng lặng tờ như mặt nước ao quê thốt nhiên rớt tõm một tiếng gà….

Ai tinh ý một chút sẽ nhận ra rằng: không giống gà gáy sáng, tiếng gà trưa là thứ âm thanh một đi không trở lại. Lẻ loi và đơn độc, nó không (hoặc rất ít khi) được đồng tình hưởng ứng. Không rộn rã mà lê thê, mà thảng thốt - như tiếng gọi đò của người lữ khách trong đêm trường huyền hoặc nơi bến vắng My Lăng (thơ Yến Lan). Và cũng chính thế nên tiếng gà thì hữu hạn, nhưng dư âm lại vô cùng. Và cái dư âm man mác đến nao người kia cứ nổi trôi, bồng bềnh như con thuyền bào ảnh đón lấy hồn ta, đem chở ngược dòng ký ức. Và trên cái hành trình lội ngược ấy – chao ôi – sao có quá nhiều “những ngày không” thấp thoáng. Rượi buồn, nhưng đẹp đến mê, đến lịm người đi (mà cũng có khi nhờ buồn nên mới đẹp!). Nơi ấy quả đúng Thiên Đường; một Thiên Đường Tuổi Thơ có mắt cười long lanh màu nắng mới, có áo đỏ hong phơi bên hàng dậu biếc xanh….

Nhưng chưa hết đâu, còn có cái tuyệt đẹp, siêu đẹp choán hết, trùm ôm hết bóng dáng thiên đường cổ tích – không riêng của người thơ mà cũng là của cả của chúng ta. Ấy là Mẹ. Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời/ Lúc người còn sống, tôi lên mười…. Tiếng gà trưa đưa ta về với Mẹ. Giờ thì tôi đoan chắc: không kẻ đa nghi nào còn dám không tin đó chẳng phải là một Thiên Đường đích thực. Có điều, hỡi ơi, cái đích thực ấy cũng đích thực là một thiên đường đã mất. Người thơ mất, tôi mất - và tôi tin tất cả quý độc giả - ít ra là ở thế hệ tôi - cũng đều đã mất…

…Và chỉ có phép mầu Úm ba la của tiếng gà trưa mới đủ quyền năng mở cửa ta vào…

Y Nguyên

Ý kiến bạn đọc