Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những Trung thu xưa

09:38, 11/09/2011

Giống như bao đứa trẻ ở các làng quê khác, lũ trẻ chăn trâu cắt cỏ chúng tôi cũng háo hức mong chờ Tết Trung thu. Niềm vui sướng của chúng tôi mỗi khi Trung thu về là lại được dịp thi nhau làm lồng đèn.

Một tuần trước rằm, chúng tôi đã rủ nhau đi chặt tre về làm đèn. Có tre rồi, cả bọn tụ tập nhau lại, hì hục làm. Tùy theo sở thích và sự khéo léo, mỗi đứa chúng tôi tự làm cho mình những kiểu đèn khác nhau. Những kiểu đèn thông thường như đèn ông sao, đèn con cá, đèn lồng, đèn hình trống thì dễ rồi, đứa nào cũng làm được. Chúng tôi còn chế ra đủ thứ đèn khác: đèn con thỏ, ô tô, xe tăng, máy bay có bánh xe bằng gỗ để kéo. Cứ nghĩ ra kiểu đèn nào là làm kiểu đèn đó,  tự mày mò, bắt chước nhau làm.

Tôi thì thích kiểu đèn con thỏ. Chỉ cần mấy cái nan tre vót dẻo, uốn hai vòng tròn lớn làm mình thỏ, hai vòng tròn nhỏ làm đầu thỏ, gá lại với nhau là xong. Bánh xe là những khoanh gỗ được cắt ra từ một khúc củi. Kể cũng lạ, hồi đó, chỉ với những thanh tre, nan tre, mấy sợi dây cao su cắt từ những chiếc săm xe đạp bỏ đi, vài tờ giấy màu rẻ tiền (loại một hào hai tờ bán đầy ở các hàng xén), chúng tôi lại làm được những chiếc đèn Trung thu đẹp và lạ như thế.

 

Ngày ấy, nến còn là một thứ hàng xa xỉ và khan hiếm, không phải lúc nào cũng có bán và không phải ai cũng sẵn tiền để mua. Chúng tôi nhặt những hạt bưởi về  bóc vỏ, phơi khô (thứ này ở quê chỗ nào chẳng có), lấy que tre vót nhọn xâu lại thành từng xâu, dùng thay nến để thắp lồng đèn. Đèn hạt bưởi khi thắp, lửa cháy sáng xanh rất vui mắt, thơm thơm tinh dầu bưởi, thỉnh thoảng lại nổ lép bép. Có đứa thì lấy lọ mực Cửu Long đã dùng hết, đục lỗ ở nắp, tra bấc, đổ dầu hỏa vào, thành ngọn đèn thắp sáng cho chiếc lồng đèn của mình.

 

Đêm Trung thu thật vui. Vừa chập tối, tiếng loa mo cau của các anh chị đoàn viên đã oang oang, giục lũ trẻ ra tập trung ở sân kho hợp tác xã để rước đèn, liên hoan. Đầu làng, cuối xóm, tiếng trẻ gọi nhau ơi ới, tiếng bước chân rậm rịch. Nhiều đứa bỏ cả cơm tối, vớ lấy lồng đèn chạy theo cho kịp chúng bạn. Lúc này, trăng cũng vừa lên. Trăng vàng thắm, tròn vành vạnh, treo lơ lửng trên rặng tre đầu xóm. Trăng trải từng vạt sáng tươi trên mảnh sân đã bắt đầu đông nghịt trẻ con. Có đến cả trăm chiếc lồng đèn đang lung linh tỏa sáng. Chúng tôi háo hức chờ đợi các anh chị thanh niên phát bánh kẹo. Mỗi phần chỉ dăm cái kẹo bột, một hai cái bánh bích qui làm bằng bột sắn mà sao ngon đến thế. Rồi bắt đầu các tiết mục văn nghệ. Không dàn nhạc, chỉ có một cái loa pin cầm tay, chiếc sáo trúc và cây ghi ta gỗ của các anh chị đoàn viên mà chúng tôi múa hát thật say mê. Sau đó, từng tốp, từng tốp nối nhau rước đèn vòng quanh xóm. Những chiếc lồng đèn đủ kiểu dáng, cái to cái nhỏ, xanh đỏ, rực rỡ đủ màu. Ánh đèn lung linh đường làng. Cười nói lao xao. Những gương mặt ngây thơ, hớn hở, rạng rỡ dưới ánh trăng vằng vặc. Trước sân nhà, người lớn bắc chõng, trải chiếu ngồi ngắm trăng, hóng mát, chuyện vãn. Có người còn múc một thau nước đầy để ở giữa sân để ngắm trăng. Vầng trăng vành vạnh in trong đáy nước, lóng lánh. Thấy rõ mồn một cả bóng thằng Cuội đang ngồi dưới gốc cây đa.

Những mâm cỗ trông trăng đã bày sẵn đợi trẻ con rước đèn về. Mâm cỗ cũng thật giản dị: bưởi, chuối, hồng, na, đu đủ…toàn thứ cây nhà lá vườn. Có những đứa chốc chốc lại chạy về, vơ vội mấy múi bưởi, quả chuối rồi lại chạy đi, hòa vào đám rước đèn.

Những Trung thu ấy đã xa rồi… Bây giờ, trẻ con hầu như không đứa nào tự làm lồng đèn nữa. Ngay cả các chợ quê cũng bán đầy lồng đèn, đủ màu, đủ kiểu, nội ngoại đều có. Đèn nến, bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả, trái cây… chẳng thiếu thứ gì. Giá cả cũng đủ loại: có thứ rẻ chỉ dăm bảy ngàn đồng, có thứ đắt hơn từ vài trăm ngàn đến cả triệu bạc. Tùy túi tiền mà người ta sắm.

Cũng mừng cho trẻ nhỏ bây giờ. Và có lẽ cũng chẳng nên lấy làm tiếc là những đứa trẻ ngày nay không còn được hưởng niềm vui khi tự mình làm lấy lồng đèn để chơi Trung thu, không được tung tăng rước đèn trong đêm trăng thanh gió mát giữa làng quê thanh bình yên ả bởi làng quê bây giờ cũng đổi thay quá nhiều. Nhưng có lẽ cũng nên thỉnh thoảng kể cho chúng nghe về những Trung thu xưa, để biết đâu có đứa sẽ thèm thuồng, ước ao như sau khi nghe xong một câu chuyện cổ tích, rằng: bao giờ cho đến ngày xưa…

Hoàng Minh Sơn

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm