Multimedia Đọc Báo in

Tổ quốc tượng hình trong mỗi khúc dân ca

10:00, 01/09/2011

Có lẽ ít đất nước nào trên trái đất này lại mang dáng hình thật mềm mại, uyển chuyển như hình dáng chữ S của Tổ quốc ta. Có nhà thơ đã ví: “Đất nước giống như nàng tiên múa/ Lại hóa thành ngọn lửa lúc cuồng phong”. Cũng ít đất nước nào lại lắm sông như đất nước mình. Sông là nơi khởi nguồn cho mọi khúc ca. Sông Thương gắn với dân ca quan họ Bắc Ninh, sông Mã gắn với điệu hò “Dô tả, dô ta”, sông Lam với làn điệu dân ca ví dặm, sông Hương dùng dằng với điệu hò mái nhì “Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Rồi Lý ngựa ô gập ghềnh qua miền Trung lắm đèo nhiều dốc, câu vọng cổ ngân nga nơi rất nhiều kênh rạch. Và đặc biệt là tiếng ru. Từ lúc sinh ra ta đã được mẹ ru trên cánh võng. Có cánh võng tre kẽo cà kẽo kẹt, có cánh võng đay dây dù thin thít. Và chớp trắng cánh cò bay lả bay la; cánh cò hay hình bóng người nông dân hai sương một nắng trên cánh đồng làng. Cánh cò bay vào câu ca dao trắng muốt, bay vào hoàng hôn ráng đỏ, bay ra từ màn mưa bụi giăng giăng. Đất nước bềnh bồng như cánh võng. Có cánh võng Trường Sơn trùng điệp quân đi với mái tăng là bầu trời vuông bốn mùa xanh nắng. Tiếng ru như bầu sữa mẹ không bao giờ cạn với huyết thống cộng đồng. Tiếng ru đã chắp cánh cho tâm hồn trẻ thơ bắt đầu những khúc đồng dao dạy lẽ sống làm người: “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”. Đất và nước đã làm nên Đất nước thật gần gũi và thiêng liêng bởi cội nguồn, địa linh, bởi chiều sâu lịch sử.

Tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc bắt đầu từ tình yêu khúc hát dân ca, tình yêu tâm hồn dân tộc. Dân ca chính là tiếng lòng sâu thẳm nhất, diệu vợi nhất và trung thực nhất. Đó là lời ăn, tiếng nói, là ứng xử giao hòa, là kinh nghiệm sống bao đời được chắt lọc, được đúc kết. Đó là ước vọng, là niềm tin, là cõi thiêng của tâm linh dân tộc. Ta cứ thử hình dung những nhịp luyến láy của dân ca sẽ vẽ ra những dáng hình lãnh thổ đất nước. Có nhịp mênh mang đắm đuối, có nhịp trắc trở gập ghềnh, có tiếng sáo Mèo vi vút tầng không, có nhịp đàn Tơ rưng Tây Nguyên cuồn cuộn. Hình như có rất nhiều nhạc cụ dân tộc làm bằng tre nứa, rất nhiều làn điệu dân ca lại gắn với nhịp chèo. Có luyến láy, có ví von chứ không thẳng băng khô rắn, không dễ gãy cũng không dễ cong – đó là bản chất của nước, của dân ca nước Việt.

Trong bốn mùa có lẽ mùa thu là mùa gợi cảm nhất. Gợi cảm từ sắc trời thu mây bông trắng nõn, gợi cảm từ tiết thu mát mẻ hài hòa, từ nắng thu ngọt ngào thơm hương đậm quả. Tổ quốc ta khai sinh từ mùa Thu tháng 9. Từ quảng trường Ba Đình 66 năm trước, tiếng Bác Hồ thật giản dị, ấm áp biết bao: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Cả trăm ngàn trái tim hòa một: Thưa Bác, chúng con nghe rõ, lời Bác là lời thiêng liêng của Tổ quốc! Tổ quốc bấy giờ thật gần gũi vô cùng. Tổ quốc chính là khúc hát dân ca, là tiếng ru của mẹ, là giọng nói Bác Hồ, là “Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (thơ Hoàng Cầm). Tổ quốc “Đất nước hình tia chớp” có cả một bề dày lịch sử chống giặc ngoại xâm, có một bề sâu của đạo lý ngàn đời nhân ái. Đất nước của con Rồng cháu Tiên, của trống đồng Lạc Việt ngân vọng muôn đời.

Nguyễn Ngọc Phú

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Ngày mai con đi học
09:57, 01/09/2011
Ngày mai con đi học
09:57, 01/09/2011
Tóc dài một thuở
09:56, 29/08/2011
Tóc dài một thuở
09:56, 29/08/2011
Bông hồng cài áo
09:05, 29/08/2011
Bông hồng cài áo
09:05, 29/08/2011
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.