Cây kè quê Thanh
Quê tôi ở vùng chiêm trũng miền Trung (huyện Nông Cống, Thanh Hóa), nơi “chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn”. Xa quê đã gần 30 năm, mỗi lần nhìn thấy hình ảnh cây kè, những ký ức lại ùa về trong tâm trí tôi, hiện lên với bao kỷ niệm của thời thơ ấu.
Kè chỉ mọc ở một số vùng nông thôn Thanh Hóa như huyện Triệu Sơn, Như Xuân, Nông Cống, Tĩnh Gia, Quảng Xương. Trồng kè không phải bón phân, không phải chăm sóc bởi kè sống được ở nơi đất tốt, đất xấu, đất khô cằn, nơi ngập nước. Kè được trồng ở nhiều nơi như sau nhà, dọc đường đi, bờ đê, bờ ruộng, nhiều nhất là ở các gò đất giữa cánh đồng lúa. Hình dáng cây kè giống cây dừa, thốt nốt, cọ. Lá kè thường được dùng để lợp nhà. Nhà lợp bằng lá kè mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông lại rất bền, một lần lợp có thể được hàng chục năm. Quê tôi trước kia hầu hết là nhà tranh, vách đất nhưng phần lớn các gia đình lợp bằng rạ, gia đình nào khá giả mới mua được lứa kè để lợp.
Cây kè trồng sau nhà |
Quê tôi giờ vẫn còn nghèo nhưng hầu hết các gia đình đã tích cóp làm được nhà xây lợp ngói hoặc đổ mái bằng, không còn nhà nào lợp bằng kè nữa. Dù vậy trên những cánh đồng, dọc đường đi, bờ ruộng, sau nhà, kè vẫn còn rất nhiều. Cây kè có thể xem là một loại cây đặc trưng của vùng quê Thanh Hóa. Những người con xứ Thanh xa quê, khi nhìn thấy hình ảnh cây kè chắc hẳn đều rất nhớ về quê hương với bao kỷ niệm gắn với loại cây gần gũi này. Nhưng không biết kè có thể tồn tại được bao lâu nữa khi giá trị kinh tế của nó không còn? Rồi đây có lẽ cây kè cũng chỉ còn trong ký ức như những cây đa, giếng làng, bụi tre, hàng rào râm bụt, hàng rào cúc tần… vì sự phát triển và thay đổi diện mạo nhanh chóng của các vùng nông thôn như hiện nay.
Ý kiến bạn đọc