Người lái đò cuối cùng trên bến sông quê…
Ông lái đò làng tôi có cái tên rất lạ: ông Năm Chua! Chính xác hơn, ông là chồng của bà Năm Chua. Nhưng người làng không nhớ (và chắc cũng không ai buồn nhớ) tên ông. Người ta cứ gọi “Năm Chua” – lâu riết thành quen. Thực tình, chẳng hiểu ông Năm “chua chát” ra sao, nhưng tên ông quả là… độc nhất vô nhị, một lần nghe qua, bảo đảm sẽ nhớ cả đời!
Ông Năm Chua người thấp bé, chân vòng kiềng. Mùa nước nổi hoặc lúc nông nhàn, ông làm thêm nghề chống đò qua sông. Gọi đò cho… oai chứ thực ra nó chỉ là chiếc xuồng to. Và cũng ít khi cần đến mái chèo, thay vào đó, ông Năm dùng cây sào tre dài để chống. Ấy vậy mà cũng lại qua nhoay nhoáy. “Nghiệp vụ chống đò” của ông Năm quả là điệu nghệ. Hàng bao năm đưa đón, chưa lần nào ông Năm cho “chư thượng đế” xơi món “chè ghim” (chìm… ghe!). Cái thằng cực kỳ nhát nước là tôi - vốn rất ngại chuyện ngồi đò qua sông. Nhưng đi đò ông Năm, bao giờ tôi cũng… ít run hơn đi đò người khác. Mà cũng phải thôi; ngoài chuyện “tay nghề bậc cao”, ông Năm còn tuân thủ rất chặt quy tắc an toàn giao thông (mặc dù thời ấy chưa có… cảnh sát đường thủy): thà đi thêm chuyến chứ không bao giờ chở quá! Hơn thế, cái bộ điệu bình tĩnh, ung dung của ông cũng tác dụng “cực kì” trong việc trấn an hành khách. Và thế là, mặc kệ nước đưng hay nước xiết, con đò của ông cứ lướt êm ru, vững chãi, an toàn…
Ảnh minh họa |
…Gần hai mươi năm rồi tôi không ghé bến sông. Ông Năm Chua “về với đất” đã lâu, còn cô Mứt hình như cũng không còn nơi làng cũ. Bây giờ đường sá thông suốt; cầu bắc qua sông. Và ông lái đò của tôi, và cô lái đò của tôi - những người lái đò cuối cùng trên bến sông quê – đã biền biệt hút xa vào cái lỗ đen ngổn ngang những mảnh vỡ mất – còn! Tôi viết bài này như thắp nén Tâm hương tạ lỗi cùng ông Năm. Tạ lỗi cho cái thời nghịch ngợm - đêm đêm lén trộm đò ông mà chống đi chơi, sau đó buộc đò không kỹ để nước cuốn trôi, báo hại sáng ra ông phải đôn đáo chạy tìm! Ấy vậy nhưng ông vẫn không chửi rủa nặng lời, chỉ nhẹ nhàng lau mồ hôi trán, làu bàu: Mấy cái thằng! Để rồi ông cho mỗi đứa mấy roi vào đít…. Và ông lắc đầu cười, hiền khô…
Ý kiến bạn đọc