Dưa leo
Ngày xưa, mỗi lần nhà tôi giỗ chạp thường có món dưa leo đặt trên mâm cỗ. Đó là một phần tư trái dưa leo được gọt sạch, xắt mỏng thành khứa đều tăm tắp, miếng này dính miếng kia tí xíu. Dưa leo với gia vị: chanh, đường, tỏi, nước mắm bỗng trở thành món ăn được sắp riêng, chen chúc với các món ăn khác trên mâm cỗ như: cá, thịt, tôm… cũng sang ra phết!
Trong các món ăn của miền quê, dưa leo trở thành món nhậu chủ lực, dễ tìm, dễ làm và cũng dễ ăn. Nhưng cái chính là giá thành thuộc hạng rẻ nhất. Món mồi nhậu dưa leo lại rất thịnh hành vào đầu những năm 1980. Hồi đó quê tôi chưa có điện thắp sáng. Nhà nhà, người người “đói” văn nghệ. Những bữa tiệc văn nghệ bằng đèn măng-sông, lá ngụy trang cho đoàn quân biểu diễn trên sân khấu là lá cây sầu đông, ô mai, mận… Các đội văn nghệ của chi hội, phân hội thanh niên cây nhà lá vườn biểu diễn cứ… ăn khách dài dài!
Xem biểu diễn văn nghệ chưa đã, lớp thanh niên như tôi tổ chức sinh hoạt văn nghệ tập thể dưới trăng bằng phương pháp “bấm điện”. Chẳng hạn tôi đang hát một bài hát chỉ mới vài câu, bỗng nhiên tôi gọi tên một người trong nhóm. Nếu người ấy không nhanh miệng gọi chuyền sang người khác thì buộc phải hát. “Bấm điện” một thời gian rồi cũng chán, chúng tôi kết bạn nhau nhóm năm, nhóm ba ca nhạc “sống” bằng đàn guitare. Ca hát suông suông thì thiếu “lửa”, nên mới bày vẽ thêm chuyện nhậu với rượu sắn, rượu bắp, rượu mía với dưa leo. Gọi là nhậu cho oai, thực ra chủ yếu là ca hát cho thật đã. Nhậu và ca hát đơn giản như vậy mới bền.
Cái hương vị dưa leo cộng với đồ gia vị thơm thơm, mặn mặn, chua chua, ngọt ngọt, nhai giòn sần sật trong miệng đã đi theo chúng tôi những năm tháng đất nước và gia đình trải qua khó khăn, thiếu thốn, nhưng mọi người đều lạc quan, yêu đời.
Ý kiến bạn đọc