Những cuộc trở về
Phố đã chớm đông, trời se lạnh. Những chiếc khăn quàng đủ sắc màu đã điệu đàng bay theo những vòng xe. Và áo mới, và những câu chuyện xoay quanh đề tài thời trang.
Giữa những câu chuyện không dứt ấy, nhiều lúc tôi thấy mình bỏ đi, lẳng lặng đến ngồi bên bàn cờ tướng nhà bác Năm hàng xóm dưới quê, có ba tôi đang chống cằm nghĩ nước đi. Cuộc chơi cờ còn lâu mới kết thúc, chơi cờ là một cuộc chơi im lặng nhất, tôi cứ ngồi bên như thế, quên mất mình sang đây để mời ba về ăn cơm trưa. Rồi tôi lại thấy mình loanh quanh trong nhà bếp, lấy cho mẹ đôi đũa, soạn đĩa trải đầy trên bàn ăn, mẹ tôi đang thắng kẹo đậu phộng, mùi gừng quyện vỏ quýt thơm thơm cay cay. Thỉnh thoảng tôi lại bên mẹ dòm vô xoong nuốt nước miếng: “Gần xong chưa mẹ?”. Tôi thấy mình ngồi sàng gạo trước hiên, gió làm phất phơ ngọn tre trước nhà, ba mẹ tôi đi dạy vẫn chưa về, con bé Nhỏ cầm vở chạy ra: “Bày giùm bài này với chị Ba, mà nói trước là không được đánh đó nghe!”. Tôi thấy anh Hai tôi đạp xe lên khỏi dốc, anh chở một chiếc ba lô cũ, em Truật tôi ùa tới: “A! Anh Hai về, anh Hai về!” rồi đu lấy cổ anh, tôi mở chiếc ba lô tìm những gói kẹo thành phố, kẹo thành phố bao giờ cũng thơm và ngon...
Tôi thường thấy mình bỏ đi như thế, không cưỡng lại được, những cuộc bỏ đi rất lặng lẽ. Không đến nỗi như Tôn Ngộ Không thả xác đứng yên còn hồn tung tẩy tận Thiên Đình, nhưng rõ ràng tôi thấy mình đã không còn ở nơi mình đang ngồi. Tôi đang nhặt cái trứng trắng hồng từ bụi thơm sau vườn của con vịt già lầm lũi bị xe đạp tông gãy cổ mà vẫn bền bỉ sống, vẫn đêm nào cũng lặng lẽ đẻ trứng như trả ơn ba tôi đã cứu mạng nó. Con vịt ấy không chỉ sống cùng gia đình tôi những mùa đông, nhưng chẳng hiểu sao, những lần bỏ đi vào mùa khác trong năm, tôi không thấy mình về bên bụi thơm có cái trứng vịt còn ấm nóng ấy. Chỉ mùa đông, tôi mới thấy mình mặc áo ấm đi nhặt món quà tạ ơn của con vịt già có tiếng “cạp cạp” khàn đục nhẫn nại không trộn vào đâu được. Cất trứng vịt vào cái rổ tre có lót một lớp rơm khô, tôi vòng ra vườn bồ ngót. Thực ra cây cỏ nhà tôi mọc tự nhiên vậy, thứ gì cũng có vài ba cây, nhưng trời mưa, đất mềm, tôi cắm những cành bồ ngót xuống đất để tạo cho mình một vườn rau nhỏ, hi vọng một ngày vườn rau sẽ um tùm và tôi sẽ cắt thành từng bó đội ra chợ bán.
Ngày còn ở nhà, tôi hay bị mẹ than phiền là đầu óc để đâu đâu, ngoài chuyện học hành ra coi như không làm gì nên hồn. Tôi vẫn cho rằng mẹ tôi quá lời, chứ tôi bình thường và nghiêm túc trong mọi việc. Nhưng bây giờ, khi mẹ bắt đầu yên tâm về tôi thì tôi lại đâm lo lắng cho mình, vì tôi biết mình hay bỏ đi nửa chừng. Đang ngồi ở tiệc cưới, tôi lại thấy mình chạy hớt hải nơi đường làng, thằng chú rể đuổi theo sau, rồi đột nhiên nó dừng lại nhặt hòn sỏi ném thẳng vào đầu khi tôi vừa quay lại. Tôi á lên một tiếng, làm cả bàn tiệc khựng lại mất mấy giây, rồi nhịp ăn uống, cụng ly lại tiếp tục hối hả, nhưng tôi thì vẫn còn nằm nơi bãi cỏ ven đường, thằng chú rể chạy tới: “Đừng có ỷ học giỏi mà méc cô chuyện của người khác nghe mày.” Nhưng dường như những lo lắng của tôi là thừa. Bởi ngay sau đó, chú rể vận vest trắng, cài hoa đỏ, đã tay cầm ly bia chạy tới cụng vào ly nước suối của tôi cái cụp: “T. định bao giờ thì viết về cái cục u trứng cút của hai đứa mình hồi đó đây?”.
Không sao cả, đúng không? Tôi bỏ đi, về với miền yêu thương ăm ắp của mình, về với cả những nỗi đau đã qua, cả những vết thương chưa lành. Nhưng rồi, cuộc sống sẽ có muôn ngàn cách gọi tôi trở lại. Để sau mỗi cuộc đi như thế, tôi biết ý nghĩa của sự dung hòa. Và biết trả cực đoan về cho những mùa đông đã ở lại phía sau.
Mà bước những bước tới nhẹ nhàng hơn...
Ý kiến bạn đọc