Thuyền hoa
“Nước lên!”, “Lụt rồi!”, đám trẻ con trong xóm hét váng rồi kéo rồng rắn chạy ra rạch rau muống. Hai ngày mưa tầm tã không kể mưa thượng nguồn và cả đập tràn thủy điện xả lũ, nước đang về, liếm dần, lên dần phủ cao theo ngọn rau muống, nhích dần lên bờ cỏ, tràn qua gờ đất, leo từng chút một vào con đường bê tông của xóm. Phía trên cầu nước đổ về con rạch cuồn cuộn xuôi dòng, phía dưới là đoạn chảy ra sông Ba xuôi về cửa biển nước lại ngược lên chọn xóm nhỏ này làm điểm cư trú để nâng dần nâng dần một màu nước đỏ quạch phù sa. Quen vì đã cảm nhận lũ về theo mùa, nền nhà ai cũng cao nên nước cứ len lỏi ngõ ngách dâng lên và xóm nhỏ trở thành ốc đảo trong lòng thành phố.
Chiều nước càng lên khi mưa tuôn ào ạt, mây đen kéo rốc mờ trời, tối kịt. Sáng bảnh mắt vườn đã ngập sâu và nước bình yên ngừng nghỉ sau chặng tuôn ào ạt, sôi réo sùng sục phăng phăng đổ về. Nước uể oải phù sa nằng nặng, nắng chênh chếch xuyên qua tán lá heo heo gió. Thằng bé nhà bên đã vác rựa ra vườn chuối ngã rạp hồi đêm để kết bè, con bé nhỏ hơn xé vở xếp thuyền giấy thả trôi theo dòng. Và những đứa nhỏ các nhà liền kề cũng thả thuyền trong tiếng cười reo thích thú. Tôi lội dòng nước bạc ra mở cổng, gạt đống rác rến vương vãi tấp lên các thanh sắt nhìn ra lối nhỏ nước dâng và ngạc nhiên thích thú, một chuỗi dài thuyền hoa bằng giấy màu được kết nối bằng sợi chỉ trắng, trên mỗi thuyền hoa ấy lại chở toàn hoa đủ loại từ hoa giả bằng vải li ti đến hoa thật như hoa bươm bướm, xương rồng bát tiên, rồi hoa dâm bụt, hoa rau muống, hoa cỏ trắng hái ở các vườn. Hai dãy thuyền hoa chòng chành ngược nhau từ hai sân nhà và gặp nhau trong sân cạn nước làm bến đậu.
Mùa lũ thì hầu như thường xuyên mỗi năm vài lần đổ về, lòng đường ngập sâu cả mét, chợ họp tận ngã Năm thành phố với ghe thuyền thênh thang chèo chống qua các dãy phố. Phố của ghe thuyền cùng những đôi chân trần với nụ cười râm ran, không còn còi xe lạng lách và khói bụi lan tỏa. Bọn tôi rủ nhau đến nhà đứa bạn có vườn cây ăn trái để trưng dụng thùng phuy lẫn ván gỗ, chặt thêm vài thân chuối làm bè và chính những cây chuối ấy làm phao cứu sinh nếu chẳng may bè vỡ. Vậy là xăn quần chống chèo với chéo chồng lên nhau, tranh nhau đến thăm các cô bạn gái nhà ngập nước. Cảm động lắm, mắt hoe đỏ vì nghỉ học mà có bạn đến thăm, mang quà ủy lạo đến đủ cả từ cóc ổi, khoai lang luộc, bắp nướng... Cô bạn thả dây xuống cho bọn tôi cột vào mà kéo lên ban công, cũng có khi đi chợ mua giùm mớ rau, trái bí, bịch mắm nên người nào cũng rưng rưng nước mắt, nhoẻn nụ cười duyên bỏ qua mọi chuyện bọn tôi quậy phá ở trường. Nước dần rút, bè không chống nữa, lại rủ nhau đi lội nước trong phố. Các cô bạn nhỏ đi theo cười reo thích thú, xắn quần tận gối lộ làn da đỏ hồng vì lạnh và tôi cũng vô tư nắm lấy tay cô nhỏ mình từng để ý mà không bị lườm nguýt; hoặc rủ nhau đi lên cầu Đà Rằng, tháp Nhạn vừa xem nước cuộn về cửa biển, vừa nhai bắp nướng vừa nhìn những mái nhà nhấp nhô trên cánh đồng trắng nước có những cánh chim rập rờn bay về phía núi.
Chiều tối, nước trong xóm rút dần. Những ông bạn kêu tôi đến nhà một ông bạn nơi xóm. Cả ngày họ rủ nhau đi nhá, thả câu, giăng lưới hoặc bắt rắn bị trôi dạt tấp vào bụi tre, bờ cỏ, ngọn cây để về làm món nhậu mùa lũ. Mùi thịt nướng thơm lừng chen trong tiếng dội bùn ì oạp của các nhà, tỏa lan trong gió se sắt khi nước dần rút ra lạch Bầu Hạ xuôi về phía cửa biển. Lại một cơn mưa đổ đến, cơn mưa giũ bùn mà ai cũng hiểu, nó đổ ào ào rồi tạnh ráo, bất chợt tôi nhớ những chiếc thuyền hoa sặc sỡ trong cơn lũ vừa đi qua, cũng như thế hệ chúng tôi đã qua nhường lại những trò chơi tuổi nhỏ khác và nó dễ thương như những cánh hoa được đặt trang trọng trên các con thuyền giấy có màu hoa rực rỡ trong nắng se sắt chợt ẩn, chợt hiện trong cơn lũ đổ về xóm nhỏ.
Ý kiến bạn đọc