Bếp lửa
Mùa đông năm nay, miền Trung bão lụt nhiều hơn mấy năm trước. Đêm lạnh tôi ngồi trong phòng nghe mưa rơi rả rích mà lòng da diết nhớ về những kỷ niệm ngày xưa. Lần mở tập sách cũ ra xem, đọc lại những vần thơ Bếp quê dành hũ dưa chua/cơn mưa vỡ tiếng sấm mùa núi xa/mẹ ngồi gom ánh chiều tà/ bừng lên ngọn lửa khói à ơi bay (Nguyễn Tấn On), cảm xúc đã đưa tôi trở về quá khứ. Hình ảnh cái bếp nơi miền quê thôn dã năm nào hiện về trong ký ức của tôi như một sự hiện hữa không thể chối từ.
Ảnh minh họa |
Có thể nói, cái bếp ở quê là hình ảnh thu nhỏ của một gia đình trong mùa đông lạnh lẽo. Bếp dùng để nấu ăn, thường được đun bằng củi. Nó rất đơn giản và có lẽ ai cũng biết, ai cũng hơn một lần trông thấy rồi tự tay nhóm lửa nấu ăn nếu là người ra đi từ nông thôn. Bình dị thế nhưng cũng thật khó quên. Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh sợi khói lam à ơi trong buổi chiều mùa hè trên mái tranh rất đỗi quen thuộc, tiếng cơm sôi ùng ục, tiếng lửa reo tí tách, mùi thức ăn xèo xèo thơm ngậy mũi những lúc đi học về. Sang mùa đông, thời tiết lạnh, nhớ nhất là lúc trời xâm xẩm tối, ngọn lửa bập bùng bên bếp củi rực hồng in dáng bà ngồi huơ đôi bàn tay run run dưới làn khói tránh cơn rét mùa đông. Lúc đó tôi thường ngồi xuống bên nghe bà kể chuyện đời xưa. Bà nói rằng: “Ông Sơn Tinh và Thủy Tinh còn giận nhau nên trời cứ mưa hoài, trời mưa đất chịu, nước ngập đồng ngập sá. Tội nghiệp mẹ mày đi cấy từ sáng mà giờ này chưa về, ướt mình lạnh chết”. Vừa lúc đó mẹ tôi về, toàn thân mẹ ướt như một con cò đi mưa. Mẹ ngồi sà xuống bên bếp lửa một hồi lâu mà bàn tay vẫn còn run run, miệng nói chưa ra lời. Từ hôm đó, tôi biết yêu bếp lửa; biết thương mẹ, thương bà nhiều hơn và mỗi chiều tôi thường nhóm bếp trước cho mẹ đi làm về sưởi ấm để xua đi cái lạnh giá ngoài đồng. Thời gian trôi đi bà không còn nữa, tôi cũng phải xa quê làm việc ít có dịp trở về, nhất là những đêm cuối năm, nỗi cô đơn đau đáu đến tận quê nhà. Biết rằng những đêm đó dáng mẹ ra vào bếp canh nồi bánh chưng đợi giao thừa, mong đứa con ở xa về kịp trong năm cũ.
Bếp quê là thế, nó không xa lạ mà lại gần gũi với những kỷ niệm vui buồn được mất trong gia đình, làng xóm, quê hương. Bếp quê còn là nơi chứng kiến nhiều bữa ăn thân mật trong gia đình lúc chưa có điện. Chứng kiến cảnh đông vui sum họp vào những ngày nhà được mùa hay cảnh túng thiếu khó khăn vì mùa màng thất bát, những lần giỗ chạp tất niên, những buổi liên hoan đám tiệc với sự đông đảo của chị em bà con hàng xóm. Và tôi, người nói lời yêu vụng về lần đầu tiên rồi chia tay cô bạn hàng xóm đi học xa nhà cũng nơi cái bếp quê ấm tình kỷ niệm… Có lẽ bếp quê là chiếc cầu nối liền mối quan hệ với các thành viên trong gia đình, dòng họ và xóm giềng thân yêu.
Ngày nay, cuộc sống có nhiều đổi mới. Nơi miền quê thăm thẳm ngày xưa cũng có nhiều gia đình đã dùng đến bếp điện, bếp ga. Thật đáng mừng và tự hào cho cuộc sống hôm nay nhưng không phải vì thế mà cái bếp quê không còn. Tôi tin chắc rằng giờ đây, ngọn lửa ấm áp vẫn âm thầm bập bùng sưởi ấm ở các làng quê và hơi ấm đó lại càng có giá trị, nhất là những đêm trời lạnh như thế này.
Đào Tấn Trực
Ý kiến bạn đọc