Chợ mùa lũ
Khi những cơn gió lạnh tràn về, thốc qua từng ô cửa kính, khi trên mái ngói rêu phong của phố cổ đầy mớ lá mục và cỏ dại, khi dòng nước đục ngầu từ trên nguồn ùng ục kéo xuống, đây thường là thời điểm của những phiên chợ… chợt đến, chợt tan - những phiên chợ vùng lũ.
Chợ thường xuất hiện vào mỗi khi lũ tràn về nhưng nó vẫn mang những đặc điểm và nét văn hóa riêng. Vật vã với cơn lũ lên xuống bất thường, sự nhộn nhịp háo hức lênh đênh cùng mấy chiếc ghe của mỗi gia đình, cùng nhau tụ họp trên một vùng đất khô ráo hay một con phố nào đó để có dịp “trưng bày” những sản phẩm mùa lũ của mình. Bỏ lại đằng sau những chiếc áo vá sờn vai, và nỗi muộn phiền của mùa lũ, các bà các mẹ vẫn gánh gồng và bơi ghe để đến chợ mưu sinh. Họ vẫn tươi cười, đon đả mời gọi khách. Nụ cười tươi rói như những con cá còn sống đang giãy đành đạch trong rổ, và mấy đóa cúc vàng tươi rói trước mặt họ.
(Ảnh minh họa) |
Bức tranh chợ mùa lũ cũng phong phú và sinh động, với đầy đủ các loại thực phẩm và hàng trăm sắc màu khác nhau. Màu vàng của quả đu đủ chín cây, màu đỏ chót của những rổ ớt, màu tím của những quả cà, màu xanh của các loại rau…Điểm lên bức tranh ấy là những thau đầy ốc bò lổn nhổn, và những xâu cá, xâu cua tươi rói. Người qua kẻ lại đông đúc, có những chú bé tóc lơ phơ vàng đang chạy lăng xăng trong chợ để ngó nghiêng, tò mò.
Con đường gấp khúc, tạo nên cái chợ cũng gấp khúc. Và góc phố yên tĩnh giờ lại rộn lên tiếng cười hỉ hả, tiếng trao đổi, mua bán, cả tiếng xuýt xoa than vãn, xen lẫn lời động viên. Xung quanh những rổ cá, rổ rau là nghìn lẻ những câu chuyện được các bà, các mẹ thi nhau kể cho nhau nghe. Chợ mùa lũ vừa mang dáng dấp của chợ thành thị, vì nó mọc ngay trên con phố ngoằn ngoèo, vừa mang dáng dấp của chợ thôn quê, vì toàn những người đàn bà lam lũ ngồi chồm hổm, thỉnh thoảng tranh thủ những lúc rảnh tay, các chị thường bắt chấy, nhổ vài sợi bạc, sợi ngứa cho nhau, chỉ khi nào nghe mưa nghe gió ào ạt thổi, là bưng rổ cùng nhau bỏ chạy.
Chợ mùa lũ có đầy đủ các loại hàng hóa, chẳng khác nào một cái chợ ngày thường. Tất cả đều xếp khít nhau như những toa tàu. Có những ánh mắt thảng thốt, cũng có những ánh mắt đăm chiêu, gắn với mặt hàng của mình. Chợ ngày lũ không chỉ diễn ra việc mua bán, mà còn là nơi người ta chia sẻ, trao đổi với nhau những nỗi niềm, những khó khăn mùa lũ. Bó rau muống đổi lấy quả đu đủ, nắm ớt xanh đổi lấy một gói mắm…Bởi lâu nay bản chất của người nhà quê vẫn thế, vẫn yêu thương, đùm bọc lấy nhau, chia sẻ mọi khó khăn trong cơn khốn khó, nhất là những khi lũ nguồn ập về. Chợ ngày lũ tuy cũng đầy lam lũ, vất vả, khó khăn nhưng vẫn tràn đầy sự lạc quan bởi nhiều người dân quê vẫn quan niệm “một mặt người là mười mặt của”, không bị lũ cuốn trôi, còn gặp nhau ở chợ, trong xóm, nói cười với nhau là quý lắm rồi.
Nỗi buồn sẽ theo cơn lũ đổ ra biển lớn. Nhưng niềm vui sẽ cùng ở lại với những ngày chợ trong mùa lũ.
Rồi một ngày nào đó xa quê, cứ mỗi khi nghe lũ tràn về, lòng lại bồi hồi lo lắng khó tả như “đứng đống lửa, như ngồi đống than”, nhưng trong nỗi lo ấy còn có cả nỗi nhớ về một phiên chợ của một vùng quê nghèo trên phố. Và bất chợt thấy một nụ cười nào đó, sau vành nón lá để rồi đượm một chút bâng khuâng…
Ý kiến bạn đọc