Thương nhớ mùa đông
Tháng mười hai, Tây Nguyên đang là mùa khô. Buổi sáng sớm và chiều tối, trời se se lạnh. Chợt nghĩ: ngoài Bắc giờ này chắc là rét lắm. Và nỗi nhớ mùa đông chốn quê xa bỗng ùa về.
Những mùa đông của tuổi thơ nghèo khó. Tháng một, tháng chạp, trời rét buốt như có ai lấy kim nhọn chích nhoi nhói vào da thịt. Buổi sáng đi học chỉ có củ khoai lang luộc lót lòng, cái rét dường như càng rét hơn. Tôi co ro trong tấm áo bông sờn cũ đến trường, vừa đi vừa chạy gằn cho đỡ lạnh. Sương mù dày đặc, người trước người sau cách có mấy bước chân mà chỉ thấy nhau mờ mờ. Lũ bạn tôi, có đứa cầm theo khúc củi cháy dở để sưởi, có đứa cầm mấy tấm mo tre cuộn tròn đốt lên. Mo tre ngún lửa, khói nghi ngút, thỉnh thoảng lại cháy bùng lên như ngọn đuốc. Có đứa lại tòn ten trên tay cái ống bơ rỉ đựng đầy than hồng, vừa đi vừa sưởi cho đỡ lạnh.
Có buổi rét quá, giờ ra chơi cả bọn dỡ cả hàng rào tre gai của trường để đốt lửa sưởi. Thầy giáo thấy nhưng không nói gì, chỉ đứng nhìn lũ học trò đang xúm xít quanh đống lửa. Một lát, thầy mới khẽ nói: sau đợt rét này nhớ bảo nhau kiếm cây rào lại cho trường. Có những đợt rét đậm, rét hại kèm theo sương muối. Tối ngủ, đắp bao nhiêu chăn cũng vẫn thấy rét. Mẹ tôi phải đốt một chậu than hồng to bỏ xuống dưới gầm giường để cả nhà nằm cho ấm. Sáng mai ra, mái tranh ướt đầm, sương đọng lấm tấm trắng như muối. Sương muối làm trụi hết cây cỏ, hoa màu. Chuối trong vườn lá cứ khô héo như bị lửa táp, khoai ngoài ruộng cũng úa vàng, chết lụi hết.
Những ngày ấy, cha tôi vẫn đi gánh nước tưới rau từ sáng sớm. Dòng sông sớm mùa đông lạnh buốt, mịt mù sương khói. Đôi chân trần của cha tôi dẫm trên lớp cát sỏi lạo xạo ở bến sông, tấy đỏ, tím tái lại vì lạnh. Chiếc áo bông vải xanh Nam Định bạc phếch chẳng làm cho cha ấm hơn. Phải tưới để rửa trôi hết sương đêm trên lá, rau mới tốt. Trời càng rét, bắp cải càng cuộn chặt, su hào càng to củ. Cha tôi bảo thế. Suốt ngày, cha quần quật ngoài vườn rau ven sông, xẩm tối mới về, áo ngấm sương lạnh toát, gánh rau lặc lè nặng cong đòn gánh. Những gánh rau của cha đã nuôi anh chị em tôi ăn học đến nơi đến chốn. Những gánh rau mùa đông…
Tôi nhớ những buổi chiều mùa đông. Mẹ tôi ngồi nấu ăn. Bóng chiều đã nhập nhoạng. Ngọn lửa bập bùng in bóng mẹ chập chờn trên vách. Cơm cạn, mẹ cời than, vần nồi xuống cạnh bếp rồi đặt chảo xào rau. Mùi mỡ béo thơm ngậy, mùi cơm vừa chín tới, mùi khói nồng nồng, mùi lửa nóng ấm…quyện với nhau thành một hương vị thật khó quên. Mâm cơm được dọn ngay cạnh bếp. Cơm xới ra nóng hôi hổi. Canh rau cải bốc hơi nghi ngút. Cá kho gừng thơm phức. Ngoài kia, sương đã buông mịt mùng. Mẹ tôi khêu cao ngọn đèn dầu đặt giữa mâm, tiếp thức ăn cho cả nhà. Thật đầm ấm.
Mùa đông ẩm ướt, rét mướt với những cơn mưa phùn và gió bấc. Nhưng mùa đông cũng có những ngày tạnh ráo, đầy nắng. Những ngày đó, buổi sáng sương giăng trắng mờ, dấu hiệu của một ngày đẹp trời. Nửa buổi sương mới tan, nắng ấm tràn lan nhuộm vàng khắp nơi. Nắng vàng như hoa cải ngồng, rực rỡ, trong veo. Vòm trời xanh ngăn ngắt lãng đãng những đám mây bông. Núi xa xanh mờ, nhạt nhòa. Phố huyện quê tôi mơ màng, thiu thiu trong nắng. Các bà cụ già ra ngồi trước sân sưởi nắng, mắt nheo nheo, hấp háy vì nắng chói. Các cô gái đứng túm tụm trò chuyện rủ rỉ bên hàng rào, má cứ hây hây, chín đỏ. Đầu phố, lũ trẻ túm tụm chơi đánh quay, hò hét, cãi cọ chí chóe.
Tôi xa quê vào một ngày đông như thế. Bao mùa đông đã trôi qua. Cuộc sống giờ đã khác xưa, quê tôi giờ cũng khác xưa. Những mùa đông ấy chỉ còn là quá khứ. Nhưng mỗi khi mùa về tôi lại không nguôi thương nhớ những mùa đông xưa, những mùa đông lạnh giá đã thắp lửa trong tôi, để tôi vượt qua những gian nan vất vả trên đường đời.
Hoàng Minh Sơn
Ý kiến bạn đọc