Kỷ niệm tuổi thơ
Câu cáy
Đưa con gái về sau nhiều năm đi xa, tôi muốn đứa con gái sinh ra ở miền Nam của mình biết về miền quê đồng chiêm trũng của bố mẹ nó. Sau một hành trình dài dọc đất nước, tôi đã đặt chân lên vùng đất quê mình.
Tờ mờ sáng, tôi bị đánh thức bởi tiếng gà gáy lanh lảnh, xua tan màn sương phủ dày đặc. Tôi trở dậy, thấy mình nhẹ tênh, nhìn bên cạnh, bé con vẫn ngủ say sưa.
Bước ra ngoài, tôi bắt gặp chiếc cần câu cáy gác trên gác bếp, cáu màu tro bếp. Có lẽ, nó đã nằm ở đây lâu lắm rồi. Ký ức quay về chầm chậm như thước phim cũ nhuốm màu thời gian…
Quê tôi, cứ sau vụ cấy là mọi người tranh thủ đi câu cáy vừa để ăn và bán nữa. Mà hay thật, khác với câu cá, chỉ trẻ em, phụ nữ mới đi câu cáy. Ngay từ khi học lớp 4, một buổi đến trường làng, một buổi tôi lại đem cần câu đi câu cáy. Giữa mùa hè nóng nực mà được thưởng thức bát canh cáy nấu với rau đay, thêm chút mắm tôm, ăn kèm với vài quả cà muối chua của mẹ thì thật là tuyệt vời.
Chỉ cần một cây tre nhỏ, dài khoảng 2m, thêm một sợi dây chỉ gấp đôi cho bền hơn rồi quấn chặt ở đầu nhỏ của cây tre là đã có một cái cần câu. Bắt một con sâu khoai vừa vừa buộc vào đầu sợi chỉ làm mồi, hay một con ốc nhồi sống đập vỏ lấy ruột, hoặc là nạy lấy ít trứng của con cáy phơi khô, cho vào chảo đảo qua cho thơm rồi quấn miếng vải màn mỏng bên ngoài là có ngay một miếng mồi hấp dẫn lũ cáy. Tôi đeo chiếc giỏ nhỏ bên hông để bỏ cáy và đội thêm chiếc nón lá ra đồng. Mùa hè, nước thường xuống thấp trơ đất ra, cáy hay đào lỗ ở bờ ruộng nên chỉ cần nhìn thấy lỗ nhỏ, thả nhè nhẹ miếng mồi, vài giây sau đã thấy con cáy bò ra, cắn mồi. Kiên nhẫn chờ thêm chút cho nó cắn chặt hơn rồi từ từ nhấc miếng mồi lên kèm theo con cáy. Không cần đợi thêm, tôi nhanh chóng đưa tay bắt cáy, bỏ vào giỏ. Chỉ cần khoảng 1 tiếng đồng hồ là thấy giỏ cáy nặng nặng, thế là đủ ăn cho cả nhà rồi. Một bát canh cáy ngọt lịm, thơm mát giữa những ngày hè oi ả sẽ xua tan mọi vất vả, mệt mỏi của những người nông dân. Người ta thường trữ trứng cáy để dành ăn quanh năm. Nhưng để có một lạng trứng cáy, người ta phải rất công phu, trước hết là bắt những con cáy có trứng, lấy dao nhọn cạy nguyên ổ trứng riêng ra, không được làm vỡ (vì vỡ nhìn không đẹp). Người dân quê tôi thường lót một miếng vải ở dưới cái dần gạo, bỏ trứng cáy vào, phủ tiếp tấm vải màn mỏng rồi treo lên dây phơi nắng. Cáy câu được phải lấy trứng ngay và phơi nắng như vậy trứng mới có màu vàng hoặc màu đỏ đẹp mắt và giữ được mùi thơm đặc trưng. Trứng cáy trở thành đặc sản. Bát canh trứng cáy vừa có mùi thơm, vị ngọt mát của cáy vừa thấy bùi bùi của trứng, thêm màu vàng, đỏ của trứng lẫn màu xanh của rau đay…đã ngon lại còn đẹp.
Tôi với tay lấy chiếc cần câu cáy xuống, định sẽ đi câu, nhưng mẹ tôi đứng ở phía sau lúc nào không hay. Mẹ bảo: “Bây giờ, còn cáy đâu mà đi câu hả con, thuốc trừ sâu mà nông dân dùng để bảo vệ cây lúa đã làm cho lũ cáy chết hết rồi. Giờ có đứng câu cả ngày cũng không đủ nấu nổi bát canh…”. Giọng mẹ nuối tiếc.
Vậy là từ giờ tôi sẽ khó có thể được thưởng thức món canh cáy đặc sản quê nhà do mẹ nấu nữa rồi. Có chăng chỉ còn trong ký ức tuổi thơ tôi mà thôi. Chợt thèm bát canh cáy quê hương quá chừng.
Lương Nguyệt
Ý kiến bạn đọc