Sẻ nâu
Mờ sáng, tôi đã nghe chim sẻ hót ríu ra ríu rít trên cành mận đầu hè. Không hiểu ban đêm chúng ăn gì no nê mà mới sáng sớm đã ca hát, tự tình vui vẻ thế? Có lẽ lũ chim sẻ vui tính hay nói, hay cười nên ban mai muốn chia sẻ niềm vui với mọi người trong ngày mới hãy phấn chấn lên với công việc đang đợi ở phía trước chăng?
Sẻ nâu thường rủ nhau đi ngủ sớm trước khi đùa giỡn thỏa thuê trên rặng tre già. Chúng ngủ trên bờ tre, cây mận, bụi keo hoặc chui vào đầu xông những ngôi nhà ngói cũ. Ban đêm chúng chẳng ăn tối như người, vậy mà không thực vẫn vực được…”đạo!”. Mang lời ca tiếng hát trong trẻo, khí thế thãnh mãnh để reo vui, đánh thức con người chào đón bình minh khi bụng đang đói meo mới đáng khen làm sao!
Con người dậy sớm chẳng mấy ai vui vẻ ngay. Đầu tiên là vươn vai mấy động tác thể dục để khởi động thân thể sau một đêm dài ngủ nghỉ. Tiếp theo là làm vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng. Tiếng cười, tiếng hát của con người có cất lên hay không khi thể xác và tinh thần đã lấy lại trạng thái cân bằng.
Sẻ nâu bắt đầu đi tìm hạt thóc, con sâu khi đã chấm dứt bản hợp xướng tình ca vui rộn ràng. Chúng cần mẫn, hiền lành trên con đường đi tìm miếng ăn, không giành giật nhau như con người. Còn cái mặc, sẻ nâu đã có sẵn trên tấm thân bé nhỏ với lớp áo nâu lúc nào cũng mượt mà như nhung lụa. Sẻ nâu có ngôn ngữ riêng, thể hiện tình cảm đồng loại rất thân thiện khiến con người cảm thấy vui lây. Những bầy sẻ nâu sau khi đáp xuống những khu vườn, nọc rơm tìm hạt thóc rơi vãi, hoặc đậu trên những tán lá ken dày tìm sâu bọ, trên đường về tổ, chúng thường xẻ đàn ra bay thành đôi tự tình, rỉa lông cho nhau âu yếm.
Một ngày kia sẻ nâu thành vợ, thành chồng, sinh ra những chú chim non suốt ngày kêu lên chiêm chiếp trên đầu xông nhà ngói. Chim bố có nhiệm vụ tha từng cọng rơm về làm tổ, chim mẹ thì đi tha mồi về mớm cho con. Khi những chú chim con đã đủ lông đủ cánh, chim bố và chim mẹ tập bay, lúc nào bố mẹ cũng bay sát một bên chim con để động viên chim con tự tin vào đời bằng đôi cánh thiên thần. Trong lúc tập bay, chim con mỏi cánh sa xuống đất bị trẻ con bắt được, chim bố và chim mẹ quần đảo liên tục, kêu lên những tiếng kêu xé lòng!
Hình ảnh “đủ lông đủ cánh” thường được con người nhắc đến để nói lên lòng hiếu đạo, trách nhiệm của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Cha mẹ nuôi con cái “đủ lông đủ cánh”, thành nhân rồi ra đời, ăn nên làm ra phải biết nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Hình ảnh sẻ nâu miệt mài tha mồi mớm cho con, tập cho con biết bay, nhảy, đau đớn khi thấy con mình bị bắt giết thịt… đánh động lòng nhân của con người: “Con vật mà cũng biết thương con chừng ấy, huống chi là con người…”.
Lúc còn trẻ, tôi là một tay “săn chim” bằng lòng đam mê quên cả ăn uống, ngủ nghỉ, quên cả những trận đòn roi của cha mẹ xử phạt ngày một ngày hai. Vậy mà khi lớn lên tôi lại quý chim đến lạ lùng! Nhất là loài sẻ nâu hiền lành luôn gần gũi với con người từ thế hệ này đến thế hệ khác. Những lúc làm việc nhọc nhằn, căng thẳng, nghe tiếng hót của lũ sẻ nâu, lòng tôi thấy thư thả đi một phần. Tiếng sẻ nâu luôn gợi nhớ quê nhà những lúc tôi có dịp đi xa. Có lúc tiếng chim đi vào giấc mơ của tôi tuyệt đẹp! Cứ sáng sáng nghe tiếng chim sẻ ríu rít trên cành cây đầu hè, tôi thấy lòng thêm yêu thiên nhiên và cuộc sống này hơn!
rần Quốc Cưỡng
Ý kiến bạn đọc