Góc quê
Bờ tre ấy, góc ao ấy, khu vườn ấy… đã hơn bốn mươi năm qua vẫn đi vào giấc mơ tôi thật êm đềm, thơ mộng. Mỗi lần thức giấc, tôi còn nuối tiếc giấc mơ gắn với kỷ niệm tắm mát tâm hồn tôi từ thời thơ ấu. Lớp bụi thời gian càng phủ dày lên ký ức, hình ảnh quê hương càng lay động tâm hồn tôi bằng cảm xúc dạt dào.
Tôi làm sao quên được bờ tre ken dày tỏa bóng mát, cứ mỗi độ chiều về lộng gió lại bật lên tiếng kẽo kẹt vui tai. Lũ trẻ chúng tôi thường lấy mảnh chai thủy tinh khắc tên mình vào đốt tre, có khi còn khắc tên một cô bé nào đấy ở láng giềng với tên một thằng nhóc hàng xóm “cắp đôi vợ chồng” chọc nhau chơi làm cho ai kia mắc cỡ cúi đầu. Lớn lên, khi hiểu được nội dung của hai chữ “thanh sử” tôi thấy lòng ấm áp vì trò chơi của thời thơ ấu. Tiếc là bờ tre cũ đã không còn những cây tre mang vết tích của ngày xanh như sử xanh lưu truyền muôn thuở.
Hơn mười tuổi, tôi đã biết tát nước gàu sòng. Chiếc gàu thiếc nhỏ nhắn gắn với cây sào tre dài ngoẵng cài cái chốt ở phần cuối cùng. Tôi tát nước cùng chị gái bằng đôi tay ngắn ngủn với chiếc gàu cáng tre dài quá khổ rồi cũng thành thạo, nhịp nhàng. Cái sòng tát nước cao vượt ngực lần nào cũng làm áo quần tôi sũng nước sau những buổi lao động mệt nhoài. Những năm hạn hán, mạch nước ao dâng trào không đủ tát vào chân ruộng, cha và chị em tôi ngày ngày cần mẫn vét ao. Đất trên bờ ao cứ cao vồng lên, còn lòng ao càng ngày càng sâu xuống, nước trong xanh. Trưa trưa, tôi tắm ao rồi lên hong nắng. Cái bờ ao, góc ao trở thành kỷ niệm khó phai mờ khi tôi lên trường huyện học.
Còn khu vườn xưa có những hàng dú dẻ, chim chim và vô số bông cỏ may ghi dấu kỷ niệm những tháng năm tóc tôi còn chừa miếng vá. Tôi cùng lũ bạn hàng xóm săm soi hàng dú dẻ từ lúc nó còn cho hoa vàng thơm nức mũi. Đến khi dú dẻ chín vàng mọng, chúng tôi hái ăn ngọt thơm mà cứ tưởng tượng là chuối chín. Những chùm trái chim chim chín đỏ tươi không ngọt bằng dú dẻ, song nó có hương vị rất lạ. Trái chim chim kết dính vào nhau thành chuỗi dài, kết chùm tươi đẹp vô cùng! Dú dẻ, chim chim chín thường trốn biệt trong lá như chơi trò ú tim với trẻ con. Đứa nào phát hiện được chùm dú dẻ hoặc chim chim chín liền reo lên vui sướng. Cả bọn chạy đến chia sẻ niềm vui. Khu vườn cũ còn có cỏ gà và cỏ may mọc trên đất cát sạch bong sau những cơn mưa rào xối xả. Chúng tôi thường chia phe nhau đá gà cỏ, rít cỏ. Những bụi cỏ gấu, cỏ may sinh ra đụn cỏ, bông cỏ giống như con gà, con rít. Muốn đá gà cỏ, rít cỏ thì đóng hai cái cọc tre nhỏ, căng giây thun ra, rồi đặt con gà cỏ, rít cỏ lên hai sợi dây thun, dùng mẻ ngói cà vào đầu cọc, tức thì hai con gà cỏ hoặc rít cỏ xáp vào nhau tử chiến. Con nào ngã ngựa thì thua cuộc, cả bọn reo cười.
Bờ tre, góc ao, khu vườn cũ… thi thoảng đi vào giấc mơ tôi tuyệt đẹp, có khi nó còn tái hiện lại những gương mặt thân thương của những người bạn nhỏ một thời. Có lẽ những hình ảnh ấy đã in sâu vào ký ức tôi nên mãi mãi không thể xóa nhòa. Chính những kỷ niệm ấy đã tràn vào tôi niềm xúc cảm để sống biết yêu thương con người, quê hương, xóm làng, biết ghi lại những hình ảnh thiêng liêng về miền quê mà tôi hằng yêu dấu.
Trần Quốc Cưỡng
Ý kiến bạn đọc