Bếp rạ của mẹ
Ai đã từng sinh ra và lớn lên ở làng quê vùng đồng bằng đều biết đến cái bếp rạ, bởi nó gần gũi và gắn bó với người làng quê như một thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.
Tuổi thơ tôi gắn liền với cái bếp rạ của mẹ. Đó là cái bếp rất thô sơ. Nó đơn giản chỉ là những thanh sắt đặc nhỏ hàn lại với nhau hình chữ nhật với vài thanh ngang, bếp có bốn chân, mỗi chân cao chưa tới 30 cm. Bố đặt chiếc kiềng ấy vào trong khoảng nhỏ gần tường, xây thêm một hàng gạch bên ngoài để tro bếp không lan ra ngoài. Đấy, cái bếp rạ của mẹ chỉ có thế.
Tôi còn nhớ như in, khi anh em tôi khoảng 5,6 tuổi, chẳng cần mẹ dạy đứa nào cũng biết đun bếp rạ. Hình như chúng tôi học được cách đun bếp rạ từ trong bụng mẹ. Những ngày mùa bận rộn, chúng tôi thay mẹ vào bếp nấu cơm. Nhiều lúc lập cập vùi nồi cơm, thế nào cũng bị lệch vung và khi nhấc nồi cơm lên ăn, thế nào cũng có nhiều tro trong nồi. Vậy mà mẹ không giận gì cả, mẹ chỉ cười và dặn dò lần sau khi vùi cơm nhớ cẩn thận.
Nhớ những ngày hè mà phải vào bếp nấu cơm, thế nào mồ hôi cũng nhễ nhại, nóng không chịu nổi nhưng bù lại rơm rạ được phơi khô ráo, khi đun ngửi ngay được mùi thơm nồng của rơm rạ. Thú vị nhất là được nghe tiếng nổ tí tách của những hạt thóc còn sót lại trong rơm mới. Thế nào tôi cũng nhanh tay khều những hạt nổ trong đám tro, thổi phù phù, rồi bỏ vào miệng. Chao ôi, cái vị giòn thơm ấy cứ níu mãi nơi đầu lưỡi khiến tôi chẳng thể nào quên được. Còn mùa đông, mọi người giành nhau vào bếp nấu cơm để tận hưởng cái ấm áp bên bếp lửa hồng. Mỗi khi đi đâu về chỉ cần vào bếp, hơ tay trên ngọn lửa, một lúc sau đã thấy ấm nóng cả người, cái lạnh bị xua tan. Nhưng bất cứ mùa nào, bất cứ ai khi chui ra khỏi bếp, tro bếp đều bám đầy trên người. Với lũ trẻ chúng tôi mặt mũi thế nào cũng dính nhọ nồi tùm lum, trông đến buồn cười.
Năm tháng qua đi, lũ trẻ quê chúng tôi lớn lên nhờ những bữa cơm nấu bằng bếp rạ của mẹ. Khi đã thành đạt, về quê vẫn thấy mẹ lui cui trong bếp rạ thì nằng nặc mua bếp ga, nồi cơm điện về bắt mẹ thay thế chiếc bếp rạ một thuở bần hàn. Nhưng mẹ vẫn giữ lại cái bếp rạ, mẹ bảo, để thỉnh thoảng đun cho đỡ thèm mùi khói!
Thẳm sâu trong ký ức những đứa trẻ quê, bếp rạ của mẹ vẫn bập bùng ngọn lửa sưởi ấm chúng tôi giữa giá lạnh cuộc đời. Tôi biết, mỗi dịp cả nhà quây quần bên nhau, mẹ vẫn thích nấu cho chúng tôi bữa ăn đượm mùi rơm rạ.
Lương Thị Nguyệt
Ý kiến bạn đọc