Multimedia Đọc Báo in

Giếng làng

09:04, 19/05/2012

Hình ảnh lũy tre đầu làng, gốc đa, giếng nước đã trở thành nét đẹp tiêu biểu cho làng quê Việt Nam. Nét đẹp đó đang dần trở thành cổ tích, có còn chăng là trong niềm luyến tiếc của những tâm hồn yêu quý nét đẹp cổ xưa của miền quê. Trong rất nhiều hình ảnh tiêu biểu cho làng quê cái giếng làng có lẽ để lại nhiều nhớ nhung nhất. Nó là nơi bắt đầu, lưu giữ nhiều kỷ niệm của mỗi người dân quê.

Nhớ ngày mới đi xây dựng kinh tế mới ở vùng đất Tây Nguyên này, mỗi làng (lúc ấy gọi là đội sản xuất) có ba cái giếng. Ai cũng cảnh nhà tranh vách đất, chỉ có cái giếng làng là được xây bằng gạch. Bọn trẻ chúng tôi buổi đi học, buổi tập trung quanh giếng để mài bi. Tìm mảnh vỡ của viên gạch, ngồi mài xuống nền xi măng quanh giếng cho mòn dần thành viên tròn nhỏ chơi trò bắn bi. Nhớ ánh mắt sáng lên vui mừng khi mài được viên bi đẹp hay ướt buồn khi lỡ tay mài lõm viên bi sắp thành. Niềm vui nỗi buồn của trẻ quê cũng đơn giản như cuộc sống nghèo ngày ấy.

Mỗi buổi chiều về giếng làng là nơi đông người nhất. Quanh thành giếng, các thôn nữ thả gàu múc nước vừa trò chuyện rôm rả. Chiều xuống trên đường làng nhấp nhô bóng nắng các thôn nữ kĩu kịt gánh nước về nhà. Nét duyên quê mặn mà có lẽ cũng từ những chiều gánh nước giếng làng của các cô gái quê. Câu hát giao duyên đậm đà tình quê cũng vang lên từ bên giếng làng.

Các thôn nữ gánh nước xong là lúc bọn trẻ chúng tôi được tắm trên mảnh đất nhỏ bên giếng. Từng gàu nước mát vừa được múc lên xối òa vào người mát lành như tình quê vuốt ve làn da non trẻ. Tình yêu quê hương lớn dần qua từng gàu nước mát mỗi chiều để lớn lên, đi xa vẫn khắc khoải nhớ về.

Trời xâm xẩm tối là lúc trai tráng trong làng ra giếng tắm. Ngày đó con người sống tự nhiên, hòa đồng lắm nên việc tắm ở giếng làng cũng rất tự nhiên. Bao nhiêu chuyện từ đồng áng đến tâm sự riêng tây đều được giải bày trong làn nước mát. Rồi đêm về trai gái làng hẹn hò dưới bóng tre, dưới gốc đa hay bên giếng nước đêm trăng; giếng làng chứng nhân bao nỗi niềm tình người dân quê thiết tha, chân chất.

Cứ như vậy, giếng làng đã đi vào tâm hồn người dân quê từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành. Trong vẻ đẹp của bức tranh văn hóa làng quê, giếng làng như gam màu ấm gợi nhớ, đưa hồn người về với ấm áp yêu thương xưa. Giếng làng có sự nối kết con người với con người và con người với tình quê. Sinh hoạt bên giếng làng thể hiện tính cộng đồng, đoàn kết nên trở thành nét đẹp ở làng quê.

Cuộc sống dần thay đổi, giếng làng rơi vào cô độc bởi mỗi gia đình đều có cái giếng sau nhà. Sinh hoạt cộng đồng hình như cũng nhạt nhòa dần, cái giếng làng đôi khi như cũng ngẩn ngơ buồn khi con người cứ hờ hững đi qua.

Giếng làng giờ đây chỉ còn trong lời dặn dò con trẻ rằng làng quê có giếng nước gốc đa, có bờ ao, sân đình… Và giếng làng chỉ là một mảng trong hoài niệm của người nặng tình với văn hóa làng quê ngày nào.

Lê Quang Thọ


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Qua đường
08:33, 12/05/2012
Qua đường
08:33, 12/05/2012
Màu hoa lục bình
10:23, 05/05/2012
Màu hoa lục bình
10:23, 05/05/2012
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.