Multimedia Đọc Báo in

Qua đường

08:33, 12/05/2012

Chị không thể qua đường. Dòng người phía sau cứ ào tới, ào tới, hết luồng này đến luồng khác. Rồi dòng người phía trước ập vào chị. Thằng nhóc đang ngủ trước ngực chị, cái địu lại lỏng. Chị phải hơi ngửa người ra phía sau để thằng bé không ngả về phía trước. Chị sợ đầu nó sẽ va phải cái đầu xe.

Chị cần rẽ xe về phía tay trái. Chị lại đang đứng ở lề phải, tất nhiên rồi. Chị đứng như thế, bật đèn xi nhan rẽ trái, mắt nhìn ngược ngó xuôi đã mười lăm phút. Dòng người vẫn lướt đi, những luồng tên dày dặc. Chị chực khóc. Thằng nhóc cứ gà gật trước ngực, thỉnh thoảng, chị phải lấy tay đỡ nó lại. Miệng nó nhai nhóp nhép, tội nghiệp, ngủ không sâu giấc đây mà.

Chị đang tính chuyện để xe lại, bồng thằng nhóc qua bên kia đường trước rồi quay lại rẽ xe qua sau. Nhưng, qua bên kia rồi để nó ở đâu chứ, nó đang ngủ gà ngủ gật thế này. Thằng nhóc lại chưa biết đi, nó mới tám tháng tuổi. Chị quyết định chạy xe thêm một đoạn nữa, lần ra phía giữa đường rồi băng ngang. Không dễ dàng chút nào, nhưng lạy trời, cuối cùng chị cũng qua được phía bên kia đường. Chạy ngược lại khoảng hai trăm mét, chị rẽ phải, vẫn tư thế hơi ngửa người ra phía sau. Thằng nhóc vẫn gà gật trước ngực chị, ngủ chung chiêng.

Chuyện chỉ có thế, chuyện chị vào một buổi chiều chưa phải giờ tan tầm, phải đứng chờ mười lăm phút (khi không chờ được nữa, vì chẳng biết chờ thứ gì) rồi mới qua đường được, hình như là câu chuyện vô cùng nhỏ bé giữa cái thế giới đầy bất an, ngày nào cũng súng nổ ở đâu đó, dịch bệnh ở đâu đó, biến đổi khí hậu thì diễn biến từng ngày đẩy nhiều triệu người vào cảnh khốn cùng và bao vấn đề to lớn khác... Nhưng sao chị vẫn không thể dứt mình ra khỏi câu chuyện bé nhỏ ấy.

Để được yên ổn, chị đã nhiều ngày tự hỏi mình mong chờ điều gì giây phút ấy. Dòng người phía trước mặt, phía sau lưng chị sẽ dừng hoặc đi chậm lại, cho chị địu con mình qua đường rồi mới lại tiếp tục trôi đi ầm ào? Hay sẽ có người dừng xe, bồng con giúp để chị làm công việc ấy dễ dàng và an toàn hơn? Không, chị không từng nghĩ thế, ngay cả lúc đang ở trong sự việc.

Rõ ràng chị không chờ đợi một điều gì tương tự thế. Chỉ cảm thấy con người là một sinh vật khổ đau, cứ trườn về phía trước, mà chạy xe cho thật nhanh ngoài đường chỉ là một ví dụ đơn sơ nhất chứ không phải duy nhất. Như chị, không vào buổi chiều ấy mà muôn ngàn buổi chiều trước và sau đó. Có đủ chậm rãi để biết xem phía trước mình, có chiếc đèn xi nhan nào bật đã mười lăm phút mà chưa thể tắt đi, để biết có đứa trẻ đang ngủ bồn chồn trên ngực mẹ nó? Câu trả lời chắc chắn là không. Bởi cũng chính chị, nhiều lần lướt qua những cái vẫy tay xin đường, xin quá giang hay cái ngửa tay run rẩy của bà cụ ăn xin mù lòa.

Chạy càng nhanh, con người ta càng khó dừng lại, để chìa bàn tay ra nâng đỡ, sẻ chia cùng người khác, hay đơn giản chỉ là để nhìn cuộc sống trìu mến hơn.  Và chạy càng nhanh, càng bị mê hoặc bởi tốc độ, con người sẽ dễ dàng trở nên xa cách với những giá trị làm người căn bản nhất, đó là tính thiện. Chẳng phải vì chạy quá nhanh, muốn vượt lên, bứt lên mà nhân loại đã gây ra quá nhiều đau khổ cho chính mình đấy sao? Có những tai họa nhãn tiền, cũng có những thứ đang còn là tiềm ẩn, nhưng đã được dự báo trước. Khi con người càng xa rời tính thiện, tức là càng gần đi đến chỗ hủy diệt.

Chị lặng lẽ nhận ra điều ấy. Và buồn.

Vì chị chưa biết cách nào để tách mình ra khỏi những luồng người ào ạt kia. Chỉ là đi chậm lại một chút thôi, mà cũng đã khó khăn như một vấn đề.

Thục Trang


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Màu hoa lục bình
10:23, 05/05/2012
Màu hoa lục bình
10:23, 05/05/2012
Gió núi
14:15, 21/04/2012
Gió núi
14:15, 21/04/2012
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.