Multimedia Đọc Báo in

Vấn vương hương bồ kết

09:43, 22/07/2012

 

Dì ở quê vào chơi, mẹ gửi cho con gái ít quà quê trong đó có những trái bồ kết khô, sần sùi, đen nhánh. Hồi tôi còn bé, mẹ chăm chút mái tóc xanh lưa thưa của tôi bằng những nồi nước gội đầu thơm ngát mùi bồ kết, mùi chanh tươi, lá bưởi, lá sả…Chẳng như bây giờ, ai cũng dùng dầu gội đầu pha chế sẵn trong những cái lọ xinh xắn. Nhanh đấy, tiện lợi đấy, công nghiệp đấy nhưng làm sao sánh bằng nồi nước gội đầu bồ kết của mẹ ngày xưa…

Nồi nước gội đầu của mẹ với đủ các loại cây lá trong vườn. Có vẻ cầu kỳ phức tạp vậy nhưng đơn giản lắm. Chỉ cần vài trái bồ kết đã chín đem phơi thật khô rồi để trên gác bếp cho đượm mùi bồ hóng, cái thứ mùi không thể thiếu ở bất cứ làng quê nào. Cứ để như thế thôi nhưng ngày tháng dẫu dài đến mấy cũng không thể làm những trái bồ kết hư được. Mỗi khi cần dùng đến, mẹ chỉ với tay, đập nhẹ cho sạch đám bồ hóng rồi đem nướng trong đám than đỏ rực. Bồ kết nướng sẽ phồng rộp lên và hương thơm tỏa khắp không gian. Mùi hương đặc trưng chẳng lẫn được với bất cứ mùi gì. Bẻ trái bồ kết, lấy hạt ra và cho vào nồi nước với đủ các loại lá cây đun nóng lên, hoặc phơi nồi nước dưới ánh nắng chói chang của mùa hè. Thế là ta đã có một loại nước gội đầu màu nâu sóng sánh với hương bồ kết quyện trong mùi chanh tươi, mùi lá sả thơm mát, quyến rũ vô cùng. Chẳng thế mà, mẹ kể, khi mẹ còn trẻ, bao chàng trai phải ngây ngất trước mái tóc óng ả tỏa hương của mẹ. Mẹ bảo, “mái tóc là góc con người” nên mẹ chăm chút mái tóc của tôi từ tấm bé. Mẹ dạy tôi cách nấu nước gội đầu và cả cách gội, cách chăm sóc tóc như thế nào. Nhưng chẳng bao giờ tôi để ý đến điều đó cho đến khi tôi bước qua tuổi 18, tôi bồi hồi đưa tay vuốt mái tóc khi một đứa bạn trai trong lớp khen tóc tôi đẹp và thơm. Lúc này tôi mới biết, mái tóc của tôi được mẹ ướp bằng hương vị bồ kết, hương vị của làng quê.

Trong hành trang mẹ chuẩn bị cho tôi đi học xa có gói bồ kết khô đã nướng sẵn. Mẹ dặn, không có thời gian thì con ngâm bồ kết với nước ấm đem phơi nắng là gội được rồi. Tôi mang theo hương vị ấy ra phố thị. Thời gian học hành, khám phá thành phố cũng như bù khú bạn bè đã cuốn tôi đi để tôi cứ quen dần với những chai dầu gội đầu tiện lợi với đủ mùi hương khác nhau. Gói bồ kết vẫn nằm im lìm trong đáy ba lô, thỉnh thoảng vẫn phảng phất chút hương thơm quen thuộc. Mái tóc của tôi cứ ngắn dần, ngắn dần và không còn đen nhánh óng mượt nữa mà có khi đổi màu nâu hạt dẻ, màu nâu đen hay màu vàng rực rỡ.

Hè tôi về thăm nhà. Mẹ sững sờ với mái tóc ngắn, xơ xác chói vàng của tôi. Tối đó, mẹ nằm bên vuốt mái tóc tôi, thì thầm: “Mẹ chỉ thấy mái tóc đen dài tha thướt mới hợp với con”. Những ngày hè ấy, mẹ lại ướp tóc tôi bằng thứ dầu gội đầu đặc biệt của mẹ. Bàn tay xù xì, thô ráp của mẹ lại múc từng gáo nước, gội đầu cho tôi. Hình như theo mẹ, không có bất cứ thứ dầu gội đầu cao cấp nào có thể sánh bằng thứ nước gội đầu “nhà quê”. Bây giờ thì tôi biết được, tại sao mà dù đã 50 tuổi nhưng mái tóc mẹ vẫn đen óng như vậy. Tôi tự nhủ lòng sẽ để tóc dài như mẹ và không đổi cái màu đen chung thủy của người phụ nữ bằng những thứ màu sắc khác.

Tất bật với cuộc mưu sinh chẳng mấy ai còn nấu nước gội đầu bằng bồ kết. Nhưng mỗi chặng đường mệt nhoài của đời sống qua đi, tôi luôn tìm về bên mẹ để đắm mình trong mùi hương dịu dàng, thơm mát của bồ kết, của cỏ cây, hoa lá. Lúc ấy tôi nghe lòng mình thanh thản lạ kỳ. Chao ôi, mùi khói bếp, mùi hương bồ kết thoang thoảng, gần gũi và thân thương đến nao lòng.

Lương Thị Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Mùa bàng
09:42, 22/07/2012
Hoa giấy
09:40, 14/07/2012
Kỷ vật
17:06, 02/07/2012
Cây trứng cá
17:00, 02/07/2012
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.