Thoang thoảng mùi nước vối quê nhà
Cuối tuần, bỏ lại mọi ồn ào của phố thị, tôi tìm về nhà bạn ở chốn ngoại ô. Căn nhà nằm gọn trong một khoảng xanh bao la của cây, của hoa, của chim chóc. Đã bao kỳ nghỉ cuối tuần tôi về nơi này nhưng sao hôm nay lại thoang thoảng đâu đây cái thứ mùi thơm ngai ngái, sóng sánh vừa lạ vừa quen. Cái thứ mùi đậm chất quê ấy đưa tôi về lại những ngày xa xưa…Chao ôi, mùi của nước vối, mùi của mẹ, mùi của quê hương.
Thì ra, mẹ của bạn ở quê vào chơi, không quên mang theo ít nụ vối để uống vì bà đã quen với thứ nước này từ khi lọt lòng cho đến giờ, khi tóc đã bạc đầu. Nhìn bà cầm cốc nước vối nóng hổi, đậm đặc, sóng sánh màu nâu xanh mà phát thèm. Hình như tôi không chỉ thèm uống cốc nước vối thơm nồng, ngai ngái ấy mà còn thèm tìm về với những ký ức tuổi thơ ngọt ngào bên cây vối cổ thụ cạnh ao nhà.
Quê tôi, nhà nào cũng có cây vối nhưng có lẽ cây vối nhà tôi thuộc dạng cổ thụ nhất. Cây vối được bà trồng từ khi bà mới về làm dâu cụ tôi. Nhờ được chăm sóc tốt mà cây vối năm nào cũng xanh tốt và cho nhiều nụ nhất làng. Thứ gì trên cây vối cũng đều dùng được. Mẹ tôi bảo, lá vối tươi nấu uống xanh mát lắm nhưng lại có vị chát đậm đặc nên nếu uống lá vối khô hoặc nụ vối thì ngon hơn. Lá vối hái về cho vào chum ủ cùng với rơm mới chỉ vài ngày là được. Lá vối ủ xong mà đem phơi dưới nắng vàng rực rỡ của mùa hè là tốt nhất. Khi đó, lá vối xanh tươi thành thứ màu nâu xám, gói cẩn thận, cất trong thúng và gác lên gác bếp dùng cả năm không bao giờ bị ẩm mốc hay mất mùi, mất màu. Không chỉ hái lá vối, mẹ còn hái cả những nụ vối để cả nhà uống quanh năm. Mẹ bảo, mùa hè, đang gặt trên đồng khát khô cổ mà được bát nước vối thì đã khát biết nhường nào. Còn mùa đông giá lạnh, chỉ cần nhìn thấy tích nước vối nóng, rót một cốc nước vối sóng sánh, hít hà vài cái là thấy ấm cả người. Đôi khi, tôi có cảm giác cái thứ nước vối ấy không chỉ đơn thuần là thứ nước giải khát quê mùa, thanh thiết mà còn là thứ nước tăng lực cho những nông dân chân lấm tay bùn quanh năm trên ruộng đồng.
Hồi đó, cả nhà ai cũng thích uống nước vối còn tôi thì không, tôi không thích cái vị chan chát, cái mùi thơm nồng ngai ngái của nước vối mà tôi chỉ thích quả vối. Khi những nụ vối ẩn mình trốn trong kẽ lá bung nở những cánh hoa trắng li ti là tôi biết thế nào mình cũng sẽ được thưởng thức những trái vối chín với vị chua chua, dôn dốt tuyệt vời. Chao ôi, những trái vối hiếm hoi sót lại trên cây càng trở nên quý giá. Mỗi ngày, tôi đều loanh quanh bên gốc vối để săm soi những trái vối chín mà chẳng bao giờ để sót trái nào cho lũ bạn hàng xóm hay lũ chim chóc.
Không chỉ thế, cây vối như một cây thuốc thần kỳ nhất mà tôi biết. Mùa hè nắng nóng, tôi lại ham chơi, nghịch bùn đất nên người lúc nào cũng lở loét, ngứa ngáy và nhìn “bẩn” lắm. Vậy mà, chỉ cần một nắm lá vối tươi giã nhỏ đắp lên những chỗ lở loét, rồi tắm rửa thường xuyên bằng nước lá vối tươi thì những cái mụn, những “con rôm, rẩy” xấu xí biến mất khỏi người tôi. Còn nhớ, có lần chị tôi ăn sung xanh nên bị đau bụng. Mẹ hãm một ấm nụ vối thật đặc bắt chị uống. Chị tôi kêu trời vì đắng chát nhưng chỉ lát sau, bụng chị hết sôi, hết đau bụng. Tôi càng thán phục tài trị bệnh của mẹ với vối và dần mê tít thứ nước, uống vào thì chan chát nhưng lại ngòn ngọt nơi đầu lưỡi ấy, từ khi nào cũng chẳng biết nữa.
Mỗi mùa vối, mẹ đều hái thật nhiều, rồi ủ, rồi phơi, rồi hì hục cất kỹ trên gác bếp để bố tôi có tích nước vối nóng uống cả năm. Đã mấy chục năm, kể từ khi lấy nhau, chưa bao giờ tích nước vối của mẹ nguội lạnh. Và dường như, bố tôi chỉ thích uống cái thứ nước vối dân dã do chính tay mẹ tôi làm. Chẳng thế mà, khi mẹ tôi mất đi, bố tôi uống dè sẻn từng nắm vối mẹ để dành trên gác bếp. Bố sợ, khi uống hết rồi chẳng còn thứ nước vối đậm đà nghĩa tình mà chỉ mình mẹ làm bố mới thấy nó sóng sánh yêu thương.
Đã biết bao mùa vối qua đi kể từ ngày ấy, tôi biết, mỗi ngày bố cũng như tôi thuở ấu thơ, vẫn hằng ngày bên cây vối cổ thụ, chỉ để chăm sóc và chuyện trò. Bố bảo, bố nhìn thấy mẹ đang cười bên cây vối. Còn tôi, mỗi khi nghĩ đến mẹ, nhớ đến ngày xưa lại thèm cái mùi nước vối quê.
Lương Thị Nguyệt
Ý kiến bạn đọc