Ký ức ngày mùa
Năm nào cũng thế, vào những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 dương lịch, những cơn mưa mùa đông như thác ầm ào đổ xuống lá rừng, mây trắng phủ dày sườn núi. Mùa này, nắng cũng hiếm hoi lắm, lâu lâu mới bắt gặp những tia nắng yếu ớt xuyên qua đám mây đen mà người làng tôi gọi đó là con mắt Yàng. Thời điểm này cũng chính là lúc lúa trên nương trĩu vàng cả một góc trời, nghe hương lúa phảng phất đâu đó trong gió ngọt ngào. Những người dân quê tôi lại xôn xao chuẩn bị cho một mùa gặt mới. Sau gần một năm trời lao động (lúa mùa chỉ có một vụ trong một năm), vất vả chờ đợi trong sự lo âu thắc thỏm mất mùa; giờ đây đã đến lúc thu hoạch những thành quả mà mình làm ra, ai mà chẳng vui mừng…
Nghi lễ đâm trâu trong lễ mừng lúa mới của người Cơ Tu (Quảng Nam). Ảnh: T.L |
Trước ngày thu hoạch lúa nương, theo tập tục của cha ông xưa để lại đã được truyền qua bao thế hệ con cháu người Cơ Tu, đó là phải giết một con heo làm vật hiến tế để tỏ lòng thành kính với Yàng đã phù hộ cho dân làng một mùa lúa tươi tốt. Con heo được chọn phải to, nhiều thịt. Những người con trai mạnh mẽ, khỏe nhất trong làng được trao nhiệm vụ khiêng con heo lên nương một vòng để mời thần lúa, thần núi, thần rừng... về chứng kiến lòng thành của người dân. Những người già nhất, có uy tín nhất làng sẽ là người tuốt bông lúa đầu tiên đem về cúng Yàng để tạ ơn, cầu mùa màng bội thu, dân làng luôn mạnh khỏe. Tổ chức ăn thịt heo xong xuôi, mấy ngày sau dân bản mới được lên nương gặt lúa mùa.
Trong những ngày thu hoạch, khi trời còn tờ mờ sương, cái lạnh căm căm của mùa đông như len lỏi vào tận xương tủy, gió núi thốc dữ dội, người dân quê tôi thức dậy sớm hơn tiếng gà rừng gáy; đâu đó nhà ai đã nhóm bếp lửa, tiếng nói tiếng cười râm ran và cả tiếng xuýt xoa vì lạnh; người người chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết để gặt lúa. Đặc biệt ở quê tôi vào những vụ mùa thu hoạch, mọi người không được chia riêng lẻ theo kiểu lúa nhà nào nhà nấy gặt, mà thường người có uy tín trong làng mời chủ hộ trong các gia đình đến nhà rông họp và cùng bàn bạc, thống nhất, phân công công việc. Mọi người trong làng cùng giúp nhau, gặt lúa nhà này xong thì chuyển sang gặt lúa cho nhà khác… Cứ lần lượt như thế cho đến khi kết thúc mùa vụ.
Những người đi gặt lúa mùa, không phân biệt đó là người già hay trẻ con, và cũng không bắt buộc mọi người ai cũng phải tham gia vào gặt mà là chọn những người có sức khỏe tốt, chịu được cái lạnh mùa đông buôn buốt. Có một điều đáng lưu ý nữa, ở quê tôi đến gặt lúa nhà nào thì nhà đó phải chuẩn bị cơm nước đầy đủ để mọi người ăn khỏi đói. Thức ăn được gia chủ mang theo phải đậm đà hương vị của núi rừng, của ẩm thực truyền thống người Cơ Tu.
Thuở còn bé, khi đến lượt lúa nương nhà mình thu hoạch, tôi thường quấn quýt bên cha mẹ đang tất bật chuẩn bị đủ thứ: cơm lam, thịt nướng... Nhiều khi tôi tò mò và hỏi những câu hỏi ngây ngô nên thường bị ba mẹ la rầy. Mẹ tôi nhanh nhẹn gói thức ăn trong những cái ống lồ ô tròn tròn. Còn cha tôi thì bận bịu nướng vài con sóc. Những con sóc do cha tôi làm bẫy bắt được là đặc sản quê tôi vào mùa gặt, chúng nhiều vô kể, cứ tới mùa lúa là kéo nhau cả bầy đàn đến phá hoại mùa màng... Nhiều món ăn khác nữa được cha mẹ gói lại, xong xuôi thì bỏ vào chiếc gùi mây của mẹ để sáng ngày mai chỉ cần gùi đi nương là được.
Vào vụ mùa gặt, trời không lúc nào ngớt mưa, mưa dai dẳng từ ngày này sang ngày khác; con đường lên nương lầy lội, dốc núi lại cao ngất, thời tiết lạnh vô cùng. Trong cái nhọc nhằn, vất vả như thế nhưng những tiếng chuyện trò, cười đùa rôm rả vẫn rộn rã, vang vọng giữa núi rừng. Khi lúa nhà nào, nhà nấy đều gặt xong thì được mang phơi trên giàn bếp trong lán hay ở nhà. Vì mùa này ít nắng nên người trong làng mới nghĩ ra cách đó để lúa mau khô và không bị hư hỏng và do vậy phải thức suốt đêm ngày để giữ cho lửa không tắt. Ban ngày thì dầm mưa gặt lúa, ban đêm thì thức thổi lửa, khói cay khiến con mắt ai cũng đỏ hoe, thấy mà thương vô cùng. Những lúc ngồi giữ lửa, mẹ tôi thường ngồi vá chiếc áo rách của anh em chúng tôi; cha thì ngồi vót lát để đan gùi, thỉnh thoảng ngồi giải lao cha lại phì phèo châm điếu thuốc, uống chút trà để bên cạnh. Nhiều khi anh em chúng tôi ngồi vây quanh xem cha mẹ làm, đôi mắt nhìn chăm chăm vào bàn tay cha, vào đôi tay mẹ; lại được nghe cha mẹ kể nhiều câu chuyện cổ của người Cơ Tu rồi chìm sâu vào giấc ngủ lúc nào không hay...
Khi lúa nương trong làng đã thu hoạch xong xuôi, lúa nằm gọn trong kho thóc. Có nhà mất mùa, có nhà may mắn hơn lúa đầy kho, tâm trạng mỗi người mỗi khác buồn, vui hòa lẫn vào nhau. Những người già lại tụ tập bàn bạc chuẩn bị tổ chức ăn mừng lúa mới để cảm ơn Yàng và các đấng thần linh đã phù hộ cho vụ mùa bội thu.
A Lăng Văn Gáo
Ý kiến bạn đọc