Multimedia Đọc Báo in

Ký ức một thời

Cô giáo ơi!

10:12, 15/04/2013

Ai cũng có một thời tuổi thơ để nhớ. Đẹp nhất của quãng đời đáng nhớ ấy có lẽ là thời học cấp một. Với độ tuổi lên tám, lên mười ta đủ khôn để có thể xếp vào ký ức của mình những hờn giận buồn vui. Thật là bất hạnh và thiệt thòi cho tuổi thơ biết bao nếu các em không được cắp sách đến trường, không được cô giáo an ủi vỗ về, cầm tay nắn nót từng chữ viết hay khuyên nhủ điều thiệt hơn.

Từ nhỏ đến khi vào đời, hầu như ai cũng học qua nhiều trường lớp, nhiều thầy cô nhưng chắc chắn không thầy cô nào qua được cô giáo cấp một.

Ngày đó tôi yêu những câu ca dao cô giáo dạy đến kỳ lạ : “Con ơi ghi nhớ lời này, ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên” hay như “Mấy ai là kẻ không thầy, không thầy dạy dỗ đố mày làm nên”. Những câu ca ấy đã theo tôi suốt cuộc đời.

Ngày đó, chúng tôi nghe lời thầy cô hơn cả cha mẹ, đó là sự thật. Với nhận thức non nớt của trẻ con, với câu chuyện chưa từng được nghe, tôi yêu và thích thú những nhân vật do cô giáo kể dẫu là hoang đường như: Sự tích trầu cau, Tấm Cám, Thạch Sanh - Lý Thông… “Bắc thang lên đến cung mây, hỏi sao Cuội phải ôm cây cả đời? Cuội nghe hỏi cũng phì cười: - Bởi nói dối bị phạt ngồi gốc cây”, là lời giáo huấn nhẹ nhàng nhưng giúp trẻ nhớ lâu. 

Sung sướng nhất là khi tan trường được cô giáo dắt tay qua đường, qua ruộng, được cô cho ăn chè trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Với tôi, hình ảnh cô giáo là cô tiên, cô múa cho chúng tôi múa theo thật đẹp, hơn hẳn những vũ công tài hoa trên sàn diễn nhiều. Cũng xoay người, uốn éo, tay chân múa may nhưng cái đẹp của cô giáo nghiêng về thiêng liêng hơn là nghệ thuật. Cũng có thể do mình đã thần thánh hóa cô giáo rồi chăng, nên khi xem các người đẹp múa bây giờ thấy rất xô bồ, hở hang, kích thích nhục dục là chính. Vẫn biết thân hình phụ nữ là tuyệt tác của tạo hóa nhưng không vì thế mà thoải mái phơi bày. Người Á Đông có nhân cách, phẩm hạnh của người Á Đông.

Vì là trường quê nên ngày nghỉ cô giáo thường ghé nhà chúng tôi chơi, bày cho chúng tôi xếp đèn trung thu, xếp con thuyền, con hạc rất đẹp. Dắt chúng tôi đi đây đi đó, thăm bạn này bạn kia.

Trong lao động thực hành cũng vậy, kiến thức thì rộng nhưng kinh nghiệm gieo cấy thì làm sao cô giáo qua được cha mẹ mình, nhưng cô nói gì cũng nghe, cũng cho là chí lý. Tôi nhớ ngày đó, thời đất nước còn gian lao, đâu đâu cũng phải tăng gia sản xuất nên thầy trò trường tôi cũng phải trồng khoai lang, khoai mì. Trồng mì thật đơn giản, chặt thân mì ra từng khúc hai mươi phân, cắm xuống đất đã cày tơi là xong. Còn trồng lang thì khó hơn nhiều, phải vun thành luống, rạch luống xếp dây lang vào, xếp tới đâu phủ đất tới đó. Kết quả là đàn heo được no nê bởi khi thu hoạch mỗi gốc chỉ loe hoe vài ba củ, mà củ thì ốm tong ốm teo như đuôi mèo, đuôi chuột nên chẳng ăn uống được gì. Về nhà áp dụng cách trồng nhanh này cho cha mẹ xem thì bị cha cú đầu cho mấy cái đau điếng. Cha bảo trồng kiểu đó thì chẳng có gì để ăn, muốn có củ thì phải cuộn phần gốc dây lang lại, cách này làm cho rễ ra nhiều. Nghiệm lại thấy đúng quá, nhưng cô giáo không hỏi thì đâu dám bày cho cô.

Thời tôi, ngày chỉ học một buổi còn một buổi ra đồng, tối tự học là chính, nên tình yêu thương cô thầy luôn tràn đầy và thiêng liêng. Có thể kiến thức của cùng cấp học không bằng các em bây giờ, nhưng tình yêu quê hương đất nước và cô thầy thì không hề thua kém.

Tôi yêu cô giáo cấp một của tôi nhất đời.

Lý Thị Minh Châu


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Lửa phượng
15:21, 12/04/2013
Tiễn mùa hoa cải
20:26, 06/04/2013
Bến sông quê
11:10, 02/04/2013
Những lối xưa...
17:02, 25/03/2013
Miền nhớ
17:01, 25/03/2013
(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.