Multimedia Đọc Báo in

Còng gió

15:23, 18/05/2013

Dọc bờ biển, đâu đâu có cát là có mặt còng gió. Định cư ven bờ nước. Ngày đào hang ẩn mình trên cát, đêm xuống nước kiếm ăn. Còng gió thực chất là một loại cua sống lưỡng cư: lên bờ cũng tốt; xuống nước cũng xong.

Có điều do tập tính sống lâu trong môi trường bãi cát - trống trơ không nơi ẩn nấp, đấu tranh cùng thiên nhiên khắc nghiệt (sóng, gió), và sự săn đuổi của kẻ thù – nên, để sinh tồn, còng gió phát sinh vài điểm dị biệt so với các loài cua khác. Nói “còng gió”, người biết hẳn nghĩ ngay đến… tốc độ! Phải; còng gió nhanh lắm; nhanh từ khâu tự vệ, đào hang, bắt mồi cho tới… chạy trốn. Mà đặc biệt là chạy trốn! Nhanh như gió (thế nên mới có tên gọi còng gió). Thứ đến, bộ dạng còng gió nhỏ gọn; to nhất cũng chỉ bằng con cua đồng nhỡ; tức nhỉnh hơn ngón chân cái (người lớn) chút ít. Da còng vàng – trắng, cùng màu với cát. Các đặc điểm này cũng góp công khiến còng khó bị phát hiện, dễ lẩn trốn trên nền cát. Ấy vậy nhưng – đừng tưởng còng gió chỉ biết lẩn trốn! Bộ dạng nhỏ thó, nhưng đôi càng của còng gió lại hết sức đáng sợ: nó cực khỏe; mép càng sắc như dao, kẹp phát nào đứt thịt phát đó! Ngày mới tập tò bắt còng gió, tay tôi cứ dài dài “lãnh thẹo”  - mặc dù tôi vốn dân ruộng, từng có thâm niên kinh nghiệm môn bắt cua đồng…

Bắt còng gió ban đêm phải dùng đuốc soi dọc mép nước, đuổi theo mà chụp. Bắt ban ngày thì chịu khó moi hang trên cát. Hang còng sâu lắm. Đào ngoắt ngoéo trong lòng cát có khi kéo dài hàng thước. Khổ; cái giống cát cứ moi lên lại sập xuống; moi không “có nghề” là mất dấu ngay! Moi hang còng phải từ tốn, khéo léo; vừa moi vừa dùng ngón tay lần lối. Phải dùng tay; không thể dùng mắt; bởi - trong quá trình moi - cát liên tục lở xuống; có căng mắt mà nhìn cũng chỉ thấy toàn… cát, chẳng biết hướng mô. Chỉ bằng kinh nghiệm và nhạy cảm, người moi còng mới có thể lần theo dấu vết chú còng tinh khôn. Dùng ngón tay dò dẫm, nhận ra vị trí nào cát hơi lỏng - ắt đó là ngách! Còng to khôn ngoan, ít khi đào hang theo đường thẳng mà thường là đột ngột ngoặt rẽ chữ chi, moi không khéo rất dễ mất dấu. Nhưng khi lần được đến đáy hang, lôi ra chú còng bự chảng, thô lố mắt tròn xoe đầy vẻ ngạc nhiên (sao mình… “quái” cỡ đó mà vẫn bị tóm hả ta???) mới thấy “đáng đồng tiền bát gạo”! Vui hơn, khi bị tóm lên tay, nhận thấy hết đường thoát thân, còng còn ranh ma… giả chết! Nằm xuôi xị, buông rũ ngoe càng trông rất chán. Nhưng hễ được đặt xuống cát, hiếng mắt thấy tay người vừa buông là còng ta… thoắt cái vùng dậy, chạy biến! Chính vậy mà sau này – mỗi khi ra biển – tôi có cái thú mê moi bắt còng gió. Chỉ để ngắm nghía, đùa chán với cái trò “giả chết” của chúng rồi thả ra cho chúng hớn hở chạy nhào xuống biển xanh. Vui lây với niềm vui khôn tả của một sinh linh đang tận hưởng cảm giác vừa được tự do…

Ngày bé nghe mẹ nằm võng kể chuyện cổ tích Dã Tràng, hát ca dao: Dã tràng xe cát biển đông/ Nhọc nhằn mà chẳng nên công tích gì…. Tôi cứ mơ mộng, hình dung: Dã Tràng hẳn là một con vật gì đó rất chi…oai phong, hùng tráng! Lớn lên một chút, nghe người bảo: Dã Tràng là con… còng gió, tự dưng thấy thất vọng tràn trề. Cứ cảm giác người kia đang cố tình… chơi khăm, hạ thấp uy danh con Dã Tràng mà tuổi thơ tôi hằng ngưỡng mộ…

Nhưng giờ, khi tuổi đời đã bước qua cái dốc bên kia thì lại khác. Giờ tôi thấy: bảo con Dã Tràng tức con còng gió thực ra là đang hạ thấp uy danh con… còng gió! Phải; còng gió đâu có bao giờ dại dột đi làm cái việc xe cát biển Đông vô tích sự để bị người đời chê trách như Dã Tràng?

Y Nguyên


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Bằng lăng
15:03, 17/05/2013
Mùa thả diều
09:14, 12/05/2013
Nắng tháng tư
09:11, 25/04/2013
Ghita
07:39, 25/04/2013
(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.