Bụi phấn
1.Lớp học vỡ lòng của chúng tôi ngày đó có ba mươi học sinh, chia làm ba tổ, mỗi tổ trực bảng đen một tuần. Người ta bào nhẵn mấy tấm gỗ tạp ghép lại làm thành cái bảng đen. Có giai đoạn nó được thay thế bởi một cái bảng thô sơ khác bằng vữa bata được tô trét phẳng lì vào mặt tường bố trí phía trên bục giảng…
Minh họa: Trà My |
Thầy giáo luôn nhắc chúng tôi rằng, đừng để màu đen của tấm bảng bị những vết nhem nhuốc làm cho hoen ố. Bởi, từ bảng đen tất cả sẽ bắt đầu… Chúng tôi chậc lưỡi ngơ ngác nhìn nhau, đến phiên trực bảng vẫn cứ hồn nhiên nạnh nhau chí chóe. Dụng cụ lau bảng là thân chuối dài chừng hai mươi xăng-ti-mét to bằng cổ tay, được băm hai đầu rồi chà vào nhọ nồi; có khi sử dụng những cục than củi giã thật mịn và dùng cả pin đèn đã hết đát kết hợp với thân chuối. Khi lau, bảng sẽ đen kịt, sạch sẽ vô cùng.
Nhờ thế mà những nét chữ của thầy càng mộc mạc, có hồn và rõ nét mồn một. Phiền phức nhất với chúng tôi lúc đó là bụi phấn. Những hạt nhỏ li ti, trần trụi rơi xuống vương trên tóc thầy, đọng lại dưới bục giảng. Trong khoảng không vô định của lớp học chật chội, thứ bụi bặm đó lúc nào cũng làm chúng tôi có cảm giác phải né tránh. Bụi phấn của ngày tháng vỡ lòng nó chưa để lại ấn tượng gì sâu sắc. Nếu có đi nữa chỉ là hình ảnh đương nhiên, quá đỗi thân quen như giấy bút cần cho học trò; như tóc của thầy đã bạc mà tóc chúng tôi vẫn còn xanh vậy…
2. Thời gian dần trôi, bài học kiến thức, bài học làm người dày lên dưới lớp bụi phấn. Đứa nào viết chữ đẹp sẽ được thầy khen, chúng tôi phấn chấn và ganh đua nhau từng tí một để được nhận nơi thầy niềm vinh dự đó. Thầy nói, rồi đây thầy sợ bụi phấn sẽ khiến thầy phải lìa bỏ nghề sư phạm, chúng tôi đã hiểu ra khi bụi phấn rơi xuống cũng là lúc được thầy gieo vào đầu những chân trời rộng mở ở phía tương lai. Bụi phấn cũng là thủ phạm làm cho những cơn ho của thầy ngày một dần tăng…
Những lời giảng của thầy đã giúp chúng tôi lớn khôn từng ngày. Học lên những lớp cao hơn, được học với nhiều thầy cô khác cũng là lúc chúng tôi phải giã biệt bảng đen, phấn trắng để làm quen với những công cụ viết hiện đại. Phấn trắng có bụi được thay bằng phấn không bụi đủ màu sắc; bảng đen thô sơ nhượng lại cho bảng mi-ca bóng bẩy; khúc chuối chấm với nhọ nồi thay thế bởi chiếc khăn lau bảng tiện lợi, phải chăng; rồi đến màn hình máy chiếu khiến từng con chữ ẩn hiện lia lịa chỉ trong nháy mắt…
Ấy cũng là lúc chúng tôi mãi miết tìm về ký ức của viên phấn trắng có hồn vía mãnh liệt ngày xưa thầy viết, những tháng ngày i tờ mà bụi phấn đã hóa thân quen. Từ trong tiềm thức bỗng nhiên trỗi dậy ước muốn trở về và níu giữ một thứ gì đó không thể lạc mất ở trong cuộc đời này…
3. Thế rồi, mỗi đứa một phương tìm bến đổ sáng tươi cho cuộc sống. Một ngày mùa đông cùng tề tựu trở về thăm thầy. Nghe thầy kể chuyện: Nghỉ hưu, thầy có mở một lớp học tình thương cho con trẻ trong xóm. Cầm chiếc bút lông viết trên tấm bảng trắng mi-ca mà các ngón tay thầy liên hồi run run nguệch ngoạc. Làm nghề gõ đầu trẻ suốt mấy chục năm nhưng giờ đứng trước những gương mặt hiếu kỳ của mấy đứa trẻ nhỏ lại không có nỗi sự tự tin vốn có…
Có hai thứ nữa mà ngày ngày thầy vẫn nâng niu đó là chiếc xe đạp cà tàng một thời lặng lẽ theo thầy đến lớp và chiếc hộp đựng phấn hình tròn nho nhỏ làm bằng nhôm công phu, sáng loáng…
Sâu thẳm nơi tâm can chúng em ký ức bụi phấn cứ luôn đong đầy… Thầy ơi!
Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc