Đòn gánh oằn trong sương
Sương thấm đều trên vai áo tôi khi bước chân rảo đều qua từng con đường phố cổ. Phố cổ trong tôi, không phải đẹp bởi những đêm rằm rộn rã, không phải cổ kính bởi những ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm tuổi, mà có lẽ xuyến xao hơn cả là những gánh rau muống, gánh hàng chợ của những bà, những mẹ. Những quang gánh ấy đi trong sương, đi cùng chiều hoặc ngược chiều với tôi trên những đường mờ ảo đến nao lòng.
Có lẽ là chưa đến bốn giờ sáng đâu. Tiếng gà hiếm hoi đâu đó gáy vọng lại. Tôi bắt đầu cuộc hành trình trong sương, trong cái lạnh của mình. Và như mọi lần, không hề mặc thêm một cái áo ấm ở ngoài. Thế là người phiêu và hồn cũng phiêu theo tiếng gọi của sương, của gió và của những đòn gánh thoang thoáng, mờ mờ trên vai những con người bắt đầu ngày bằng cuộc mưu sinh đầy vất vả.
Người đến với phố cổ này, nếu không nhìn kỹ, sẽ không thể nhận ra được những nét còn sót lại của dân dã, của những hồn cốt quê hương. Cả một ngày dưới ánh mặt trời, thậm chí cả đêm, nơi đây hoàn toàn là cuộc sống của du lịch, của những người và người, của những thức ăn uống, đồ lưu niệm và vải vóc. Đâu ai kiên nhẫn mà chờ đợi, mà bỏ đi một phần giấc ngủ của mình để tìm lại một vẻ đẹp đáng yêu, đáng gìn giữ. Có lẽ tôi may mắn khi làm được điều ấy.
Minh họa: Trà My |
Không xa, phía những ngôi làng mà giờ đã trở nên rất phố, những chiếc đòn gánh khác cũng theo sương sớm mà tụ hội về chợ. Trên những đôi quang gánh ấy là chuối, cau, trầu, mướp, bí… Những cụ bà đã trên 70 vẫn còn giữ được cái thói quen gánh hàng ra chợ sớm. Có những sáng, nguyên một tuần, tôi đứng trên cây cầu dẫn từ làng ra phố chợ chỉ để chờ những cụ già với đòn gánh oằn sương đi về phía chợ. Không trễ bao giờ, mỗi ngày chỉ hơn kém nhau vài phút mà thôi. Những bước chân đã chậm nhiều so với thời còn con gái, trung niên, nhưng rất chắc chắn trên con đường rải nhựa. Nhòa nhòa trong sương, các cụ chỉ hiện ra rõ nhất từ xa với cái nón lá trên đầu và đòn gánh run run trong gió lạnh. Ấy, chỉ chừng ấy thôi mà lòng tôi cứ mông lung vọng theo mãi...
Đôi mắt tôi trước những cảnh ấy đôi khi nhòa đi, rất mau. Bởi đòn gánh trên lưng ba tôi, mẹ tôi cũng đang oằn sương sớm nơi quê nhà. Cả một đời với những luống rau, bờ bãi khoai bắp, kĩu kịt gồng gánh phận mình đi qua giông bão, nuôi con cái nên người. Sáng cũng oằn sương mà chiều tối về cũng oằn sương. Để rồi, sương đã thấm vào tóc ba mẹ, rưng rưng một màu bạc với thời gian. Sương theo đòn gánh uốn cong lưng mẹ để rồi giờ mẹ không còn đi thẳng như một người bình thường nữa. Chiếc đòn gánh theo người ra ruộng đồng, rồi xuống chợ với những mùa cải, mùa khoai tiếp nối nhau cho đến khi nào không còn sức đặt nó lên vai nữa thì thôi. Nhất là mùa cải Tết, sương đã ướt cả phận người. Gió cứ dạt xô những bước chân mẹ cố bám chặt vào con đường xuống chợ, trên lưng là cả sức nặng của vài chục ký cải. Nhiều lúc, mẹ không đi nổi một phần đường, đành lót dép ngồi nghỉ ngơi lấy sức. Con chưa một lần ghé được đôi vai vào đòn gánh ấy. Mà Tết thì vẫn mứt kẹo, thịt heo, bánh chưng và những thứ khác vừa đủ một chút nhà quê như ông bà bao đời neo lại.
Đòn gánh oằn trong sương. Những phận người cứ miệt mài gánh nỗi lo áo cơm đi mãi với gió, với lạnh, nhiều khi là cả đời chưa trọn một niềm vui nho nhỏ mà thôi. Tôi đã đi, đã trưởng thành và cũng đôi lần vấp ngã, đã khóc và cũng đã cười ngạo nghễ. Nhưng, lòng vẫn đăm đắm mãi khi thấp thoáng một sớm mùa chớm lạnh, nhìn thấy sương sa trên hai đầu gánh nặng. Để mà tin vào ngày mai. Để mà vực mình đứng dậy trước những thăng trầm. Để một ngày nào đó, trở về nhà, gánh bớt nỗi lo trên đòn gánh mà ba mẹ đang nặng lòng mang...
Nguyễn Thành Giang
Ý kiến bạn đọc