Multimedia Đọc Báo in

Giấc mơ mùa lúa

15:44, 18/05/2014
Tháng năm, nắng óng ánh rải vàng con đường làng trước mặt. Tôi theo chân mẹ ra đồng. Mùa gặt đã về. Đồng ruộng vàng óng màu vàng của lúa chín. Những bông lúa trĩu hạt theo gió nhẹ đong đưa mang theo mùi thơm của đồng quê dân dã.

Trên đồng ruộng mênh mông cò bay thẳng cánh những giọng người nói cười rôm rả và tất cả đều vui chung niềm vui mùa gặt. Những gương mặt đen sạm vì giãi dầu sương nắng bỗng trở nên rạng ngời giữa nắng hè oi bức. Bóng dáng bao người lẩn khuất trong màu lúa chín, nón lá nhấp nhô góp thêm sắc màu làm mùa thu hoạch thêm rộn ràng, huyên náo. Niềm vui mùa gặt làm cho nhịp điệu cuộc sống nơi thôn quê nhàn nhã bỗng trở nên tươi vui và tràn đầy sinh khí.

Gắn bó với ruộng đồng từ những ngày ấu thơ, tôi lớn lên qua bao mùa lúa mẹ trồng. Ngày ấy, đồng ruộng cằn cỗi, hanh khô, chưa có kênh mương dẫn nước tưới vào đồng như bây giờ. Giấc mơ  mùa màng khấm khá chỉ biết trông chờ vào nước trời. Tôi lúc đó ngày nào cũng lon ton theo mẹ mỗi chiều mẹ thăm đồng, cùng mẹ hăm hở nhổ từng cỏ mật, đắp từng vụn đất, chắt chiu từng hỏm nước để rồi từ khi nào chẳng biết, tôi từ một đứa trẻ ham chơi đã biết cùng mẹ sẻ chia những lo toan mùa màng, được – mất.

Mùa gặt năm nào tôi cũng nhắn mẹ nhớ gọi điện để con về quê giúp mẹ. Bố đi làm xa xứ. Mẹ tôi một đời cực nhọc,  quanh năm suốt tháng gắn bó với ruộng đồng. Mùa gặt năm nào cũng mình mẹ tất bật lo toan. Thương mẹ, tôi từ thành phố tranh thủ trở về để cùng mẹ đảm đương công việc vụ mùa. Rủ bỏ áo quần thời trang tôi trở về là cô gái thôn quê dịu dàng đằm thắm trong bộ áo bà ba sắc tím hoa cà. Bước xuống thửa ruộng, hòa cùng dòng người đang vui cười nâng niu từng bông lúa trên tay tôi bỗng hiểu ra niềm vui giản đơn nhưng trong sáng của mẹ từ nhịp sống ruộng đồng thuần phác.

Minh họa: My Lê
Minh họa: My Lê

Đều là dân quê, mẹ cũng như bao người phụ nữ sinh đã trót nặng tình mà bó buộc đời mình với cây lúa. Cuộc sống chỉ biết trông chờ vào vài sào ruộng con con. Mảnh ruộng ấy là kế sinh nhai của cả gia đình với những đứa trẻ nhóc chỉ biết ăn và ngủ. Ước mơ của mẹ cũng là ước mơ của bao người nông dân chân chất một nắng hai sương, ước mong một vụ mùa no đủ để con cái có bữa ăn đủ đầy, được đến trường đến lớp.  Tôi lớn lên bên cây lúa thấm đẫm mồ hôi từ bàn tay mẹ chăm bón, bước chân ra chốn thị thành đắm mình cùng phố trong nhịp sống xô bồ, hối hả để rồi đôi lúc mỏi mệt giữa những thị phi và bon chen cuộc đời, tôi chợt  ước mong được về lại bên mẹ, cạnh những giấc mơ dung dị đời thường.

Còn nhớ năm ngoái, mùa màng thất bát, ánh buồn len lỏi khắp nơi cả trên gương mặt của những đứa trẻ thôn quê suốt ngày chỉ biết rong chơi phơi nắng. Thấy mẹ cũng buồn hiu, phe phẩy chiếc nón lá than thở: “Mùa này biết lấy gì cho đàn gà nó ăn. Cũng chẳng đủ lúa để con đem xuống phố”. Ơn trời, năm nay mùa vụ khấm khá. Bà con lối xóm ai ai cũng vui mừng. Tôi thấy mắt mẹ sáng ngời khi kể tôi nghe những dự định sắp tới. Rằng, mẹ sẽ mua về một đàn vịt con và chăm chúng béo tròn để đến tết Đoan ngọ khi bố trở về, cả gia đình sẽ có một bữa đoàn tụ ấm cúng. Tôi ngồi đó, giữa mênh mông ruộng đồng chợt thấy lòng bình yên đến lạ. Ngoài kia, từng giọt nắng long lanh đang tô thắm khóe môi bao người giữa hân hoan mùa màng no đủ. Ngồi bên mẹ, tôi mường tượng khung cảnh hạnh phúc khi gia đình sum vầy, kể nhau nghe  những chuyện vui xưa cũ.

Vẫn như ngày ấu thơ, bên mẹ, trong tôi, những giấc mơ vẫn sóng sánh nụ cười…

Linh Lan


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Dáng hạ quê xưa
15:30, 18/05/2014
Mưa bóng mây
14:32, 09/05/2014
Khi phố lên đèn
14:02, 29/04/2014
Chiều quê
08:23, 25/04/2014
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.