Ký ức rơm rạ
1. Người nông dân tha thiết với rơm rạ như quý mến hạt gạo hai sương một nắng. Mùa gặt nào họ cũng ra sức tranh thủ ánh nắng mặt trời, tận dụng từng tấc ruộng, bờ đê, từng bãi sân, con ngõ để phơi rơm. Bởi thế, càng nắng to họ càng có lý do để kéo rơm ra phơi, nhất là thời điểm giữa trưa. Người người chộn rộn, hối hả cầm cây cào trên tay để di chuyển rơm ra chỗ nắng nhiều, tung hê từng mảng, lật lên trở xuống... Từng cọng rơm được nắng sẽ cong lên, vàng óng, thơm lựng mà vẫn đượm màu tươi nguyên...
Để đưa được rơm về nhà, phải dùng dây thừng hay lạt tre cật bó lại thành từng bó nhỏ; sau đó chất chúng lên xe cải tiến rồi vắt sức kéo về, còn không thì phải còng lưng vừa gánh vừa chạy những hôm trời dọa mưa… Cọc xây rơm được làm từ những cây tre già chụm lại, có nhà dùng cây bạch đàn cao lớn, nhà có điều kiện hơn thì chôn hẵn một cọc sắt cố định...
Rơm được xây vào cọc từ tốn, cẩn thận. Một người đứng dưới đất quẳng rơm lên trên cây cho người kia xây. Người quẳng rơm khỏe mạnh bao nhiêu thì người đón rơm lại càng nhanh nhẹn bấy nhiêu. Họ thoăn thoắt gỡ từng đụn rơm, rải đều chung quanh cọc rồi liên hoàn dẫm rơm thật chặt vào gốc cọc cho tới khi cây rơm được xây xong vững chãi, cân đối...
Minh họa: Trà My |
2. Người nhà quê luôn dành cảm tình mến yêu với rơm rạ. Rời nó ra một chút là đã trở dạ bồi hồi. Những ngày mùa thuận lợi, bố mẹ tôi hay lựa những ruộng lúa tốt, cây lúa có thân to, chắc, nhất là cây lúa nếp để đánh tấm lợp. Bố chẻ hom, mẹ vuốt rạ rồi cả hai cùng thoăn thoắt chia từng nắm rơm vàng để đánh thành tấm lợp nhà hoặc lợp chuồng trâu, chuồng bò… Bố mẹ quý rơm như trọng cái tình nghĩa xóm làng; thân thiết bên chúng tựa bà con láng giềng gần gũi...
Vào những mùa gặt thừa mưa, thiếu nắng bố mẹ đứng ngồi không yên với mấy đống rơm to đùng nằm rũ rượi ngoài đồng. Mỗi ngày trôi qua nếu không có nắng để phơi tự khắc rơm sẽ thối rữa, hao hụt. Những lúc trời tạnh mưa, nóng ruột quá bố đã kéo đại rơm ra để cậy gió đánh cho se nhưng hễ kéo ra gần hết thì mây đen ùn ùn kéo đến gây mưa sập sùi... Cả mùa đó, gia đình tôi buồn thiu nhìn trâu, bò nhịn đói. Bếp lửa của mẹ cũng đành đứt đoạn khói lam sớm chiều…
Cây rơm chính là miền cổ tích của lũ trẻ con nhà quê. Chúng tôi hay kháo nhau về chuyện dú quả vào đó. Có đứa nói, quả lê dú sâu vào trong cây rơm sẽ chín nhanh nhất; đứa khác lại bảo ấy phải là quả chuối, quả xoài hay quả mãng cầu… Nhà tôi đông con nên anh em vẫn hay giành nhau vị trí dú quả trên cây rơm nhà mình. Ngày đó, những thứ quả sau khi dú dẫu có bùi nghịt hay chát lè; dẫu có ngọt lịm hay chua lét, đám trẻ trâu chúng tôi vẫn cứ ngấu nghiến ngon lành…
3. Những cây rơm cạnh hồi nhà của người nông dân sẽ lại kiêu hãnh nhô cao lên tận ngọn tre khi mùa gặt đến, nối tiếp tháng ngày no đủ, bình yên…
Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc