Multimedia Đọc Báo in

Nước mắt của lòng mẹ

14:27, 28/05/2014

Không biết trong cuộc đời mẹ đã khóc bao nhiêu lần, chỉ biết rằng mỗi lần khóc mẹ đều khóc thầm và vội vã lau nước mắt khi có ai đó bắt gặp…

Mẹ tôi, một bà mẹ nhà quê. Miệng chẳng bao giờ biết xởi lởi nói ra những lời dịu ngọt như cái tình trong trái tim mẹ. Mẹ  hết mực yêu thương chúng tôi, nhưng có điều chẳng bao giờ “chịu” thốt lên: “Mẹ yêu con”, “mẹ thương con”, hay một từ nào tương tự như thế. Khi  nhỏ, con hay nghĩ rằng tại sao lại có nhiều ngày dành cho phụ nữ đến thế, nào là 8-3, 20-10, rồi ngày Chủ nhật tuần thứ hai của tháng 5. Nhưng giờ tôi mới hiểu bấy nhiêu cũng chưa đủ.

365 ngày trong một năm, không ngày nào mẹ không lo nghĩ, tảo tần vì các con. Bao âu lo của đời in trên khóe mắt. Mẹ khóc khi con đi học về bị ướt áo, buồn với nỗi buồn khi con bị điểm kém, khóc khi trong nhà chỉ còn lon gạo cuối cùng đem ra nấu cơm. Có hôm, trời mưa, đi làm đồng về, mẹ vội vàng mang cả quần áo ướt sũng đến  lớp học đón con. Vậy mà, tuổi thơ dại dột, con tỏ ra giận dữ và  thấy xấu hổ với chúng  bạn trong bộ dạng lê thê, lếch thếch của mẹ. Mẹ lặng thầm cõng con trên  lưng, lầm lũi rảo bước trong mưa, trong khi những giọt nước mắt cứ thế lăn dài… Mẹ lại khóc khi con hớn hở nhận tờ giấy báo trúng tuyển đại học tại một thành phố ồn ào, xa lắc - nơi mẹ chưa từng đặt chân tới nhưng lại dặn dò rõ mồn một khi con đi xa, như là đã hiểu rất nhiều về nơi ấy. Và rồi khi con cầm trong tay những tờ tiền học bổng đầu tiên, một lần nữa lại thấy mẹ cười mà như khóc… Khi chia tay mối tình đầu mà con đã dành hết kỳ vọng, lúc đó, con chỉ muốn đi vào một giấc ngủ sâu và không bao giờ tỉnh dậy nữa, mẹ đã đến bên cạnh và nắm lấy bàn tay nhỏ bé của con áp lên đôi gò má xương xẩu của mẹ mà nghe từng giọt nước mắt lăn dài… Lúc  ấy, mẹ như bác sĩ, chữa được tất cả các bệnh, từ những căn bệnh cảm cúm thông thường cho đến những vết thương lòng.

Cả đời lam lũ, mẹ chỉ biết có mảnh ruộng, cái cày. Chưa khi nào mẹ dám bỏ ruộng một hôm vì thấy trong người khó chịu hay mệt mỏi; có đau mấy mẹ cũng cố vác cuốc ra đồng.  Hơn hai năm trời, nếu con nhớ không lầm, mẹ chưa may cho mình một tấm áo hay cái quần mới thay cho tấm áo cũ kỹ đã bạc màu, mỏng đến xơ từng múi vải, trong khi chúng con thì đều đặn có được “bộ cánh” mới mỗi dạo khai trường hay tết đến. Cả đời mẹ chưa hề biết đến kỷ niệm ngày sinh cho mình hay chiếc bánh ga-tô là gì, nhưng ngày sinh của từng đứa thì mẹ nhớ như in. Và trong bữa cơm chiều của cái ngày đặc biệt duy nhất trong năm ấy, mấy đứa con thế nào cũng được hả hê thưởng thức món thịt cốt lết xối cà chua ngon lành, trong khi mẹ vẫn lặng lẽ ngồi ăn đĩa mít non kho ngò gai.

Thời gian trôi, con vào đại học, vẫn đều đều nhận được những xấp  tiền lẻ còn vương mùi bùn đất mẹ gửi lên. Xa nhà, chỉ còn biết biên thư về cho dịu nỗi nhớ. Dăm ba cánh thư đi thì cũng có cánh thư lại của mẹ, với vài dòng ngắn ngủi, phải mày mò “thông dịch” mới rõ nghĩa, bởi mẹ viết sai lỗi chính tả nhiều. Những nét chữ nguệch ngoạc của mẹ lần đầu tiên biên thư cho con. Rồi tháng ngày vất vả vừa học vừa làm thêm, con cũng mua được chiếc điện thoại cầm tay để tiện liên lạc với mẹ. Chưa hết vui, một ngày nhắc máy lên lại nghe giọng mẹ run run, đang cố lặng nén cơn thở dốc. Vẫn cố gượng cười, mẹ bảo: “Mẹ chỉ bị cảm mạo có sá gì đâu, tụi bay cứ yên tâm, gắng mà lo học hành” nhưng con biết lòng mẹ đang khóc… Và giữa tuổi lá vàng khô cuối mùa, mẹ đã không chờ được đến ngày đón ngọn gió lành đầu xuân. Tụi con bắt đầu hiểu rằng mình đã không còn được mẹ dắt đi qua hết tuổi thơ ngây.

Ngày tiễn mẹ đi con chưa kịp có trong tay tấm bằng đại học. Hôm tốt nghiệp ra trường, cầm trên tay tấm bằng cử nhân, lòng cứ sụt sùi chạnh nghĩ, nếu còn mẹ, mẹ sẽ lại cười mà cứ như khóc… Đến lúc đi làm, nhận tháng lương đầu tiên, lòng khao khát muốn mua chiếc bánh ngọt, miếng thịt ba chỉ về luộc cho mẹ ăn - những thứ mà ngày xưa mẹ ước được ăn một lần cho đỡ thèm; chứ không phải nồi mít kho ăn hết ngày này qua tháng khác. Song, cũng chiếc bánh, miếng thịt mua về, giờ chỉ bày lên bàn thờ kính mẹ, với khói hương nghi ngút…

… Mẹ ơi!

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Ký ức rơm rạ
09:53, 24/05/2014
Giấc mơ mùa lúa
15:44, 18/05/2014
Dáng hạ quê xưa
15:30, 18/05/2014
Mưa bóng mây
14:32, 09/05/2014
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.