Bao la tình mẹ
Chưa bao giờ con nói lời “con yêu mẹ”, cũng chưa bao giờ hôn lên tóc mẹ hay nói một câu cho đầy đủ khi đã biết mua đóa hồng tặng mẹ nhân ngày phụ nữ, bởi sự rụt rè và ngượng ngùng…
Trời Ban Mê mấy ngày nay trở gió, không khí càng thêm lạnh, buổi tối đi ngủ, con phải đắp lên mình mấy tấm chăn dày vẫn không khỏi thấy co ro. Bất chợt, lòng se lại, nước mắt chảy dài khi nghĩ về mẹ. Hơn 5 năm về trước, khi con còn theo học dưới mái trường Đại học cách xa nhà hàng ngàn km, cũng những đợt gió lạnh này, mẹ lục ra tấm chăn dày nhất trong nhà, giặt sạch sẽ rồi tỉ mỉ ngồi chằn lại từng mối chỉ ở các góc chăn, gói gém cẩn thận gửi ra cho con, phần mình thì mẹ lặng lẽ chống chọi với cái gió lạnh buốt trong chiếc chăn mỏng tanh.
Ngoài 60 tuổi, lấy chồng hơn 40 năm, đời mẹ đã khóc quá nhiều lần. Nửa đêm, con nóng sốt, mẹ như lửa cháy trong lòng rồi tất bật soi đèn đi gõ cửa khắp hàng xóm để xin nắm lá đắp cho con, dù biết rằng sáng mai thức dậy sẽ có không ít lời phàn nàn. Con cứ ngỡ rằng nắm lá ấy là thứ thuốc tiên, có thể chữa lành mọi căn bệnh, để rồi hôm sau, khỏe hơn một tí, con lại đầu trần chân đất giữa trưa nắng nóng dung dăng với chúng bạn, còn lòng mẹ thì đang thắt lại vì lo cho con.
Mẹ luôn cố để có được điều tốt nhất cho con, còn con thì quá bé để cảm nhận tình yêu thương của mẹ. Ngày nhỏ, con hay đứng đầu ngõ chờ mẹ đi chợ về để vui mừng đón nhận bịch chè hay mấy chiếc bánh cam đựng trong chiếc làn nhựa, nhưng cũng có lúc giận dỗi, lăn quay ra đất giẫy hờn vì lục tung trong giỏ mà chẳng thấy được thứ gì trong đó, đâu biết rằng mắt mẹ đang nhòe nước… Bởi mẹ cũng rất muốn mua chè, bánh cho con, nhưng số tiền còm cõi của người mẹ nghèo giữa buổi chợ đông đâu có phần cho quà, bánh! Mẹ luôn cố gắng trao cho chúng con niềm vui còn mình thì nhận lại sự thiệt thòi. Nghĩ lại mới thấy, còn chẳng bao giờ dành cho mẹ một bông hồng, món quà giá trị hay những lời ngọt ngào, dịu dàng, những thứ mà con thường dùng “xa xỉ” với những người phụ nữ xung quanh. Tuổi thơ dại dột, con trách mẹ sao mình không có được sinh nhật như chúng bạn, rồi vòi vĩnh phải có tiệc mừng con lên 11 tuổi, mẹ đồng ý bằng một nụ cười gượng gạo. Để “buổi tiệc cho ra buổi tiệc”, cũng phải có chiếc bánh ga tô, chai nước ngọt cho con vui với chúng bạn, mẹ đã lặng lẽ bán đi đôi khuyên tai – kỷ vật duy nhất bà ngoại để lại cho mẹ trước khi khuất núi. Trước đêm hôm ấy, chị Hai là người duy nhất trong nhà nhìn thấy mẹ trở mình suốt đêm không ngủ được, nằm sụt sùi mãi rồi mẹ ngồi bật dậy, lấy vật gì đó trong bọc ni lông cũ nhàu ra xem rồi vội vàng gói lại, đưa tay lau nước mắt thật nhanh khi thấy chị thức giấc.
Con vào đại học, mang theo cả niềm hy vọng của mẹ ở miền quê xa lắc, song cũng là lúc nhận ra quần áo cũng phải tươm tất thời trang hơn, bởi lên phố chẳng thể giống như… ở quê nghèo dính mùi rơm rạ! Số tiền hàng tháng mẹ gửi lên để con đóng học phí, quần áo xúng xính, không bỏ lỡ bất kỳ lời mời sinh nhật, liên hoan nào của bạn bè…., tất cả những thứ đó đổi hằng tháng ngày mẹ tất bật, lưng còng hơn và tóc thêm nhiều sợi bạc. Mặc những cơn ho trong gió lạnh, mẹ vẫn cứ gắng gượng bán từng bó rau kiếm mấy đồng bạc lẻ góp lại để lo cho con, còn con thì cứ vô tư đón nhận tất cả những điều đó mà đâu có hiểu được niềm ước mong luôn ấp ủ bấy lâu trong lòng mẹ: ước một lần được nhìn con nơi giảng đường, được xem cái trường con đang theo học, mong được đặt chân đến cái thành phố phồn hoa khác với miền quê nghèo của mẹ, được nhìn mặt chúng bạn từ nhiều miền quê của con …, vậy mà điều đơn giản ấy chưa kịp đến thì mẹ đã… ra đi về thế giới bên kia!
Nhớ lần đầu tiên trong đời con biết mua đóa hoa hồng tặng mẹ nhân ngày 20-10, và thầm tự trách mình, sau bao năm chỉ biết xin tiền mẹ mua hoa tặng cô giáo mà chẳng nhớ rằng đáng lẽ phải mua thêm một đóa hồng để tặng mẹ- lúc ấy, mẹ như ngỡ ngàng, mỉm cười thật tươi rồi quay mặt để giấu đi những giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má xương xẩu…
Mỗi chặng đường đi qua, ký ức của con về những việc đã làm với mẹ là những trách móc, giận hờn, xin lỗi và… yêu thương. Ra trường đi làm, con may mắn gặp được nhiều người tốt, dìu dắt, yêu thương, nhưng bao nhiêu đó vẫn không đủ để đánh đổi cái ôm của mẹ. Nhiều khi con thèm có người nắm chặt tay, đặt tay lên trán mỗi khi con nóng sốt và ôm chặt vào lòng giúp con đủ mạnh để xua đi những lo toan buồn chán của cuộc sống đời thường.
Giữa đêm khuya trong cơn gió lạnh ùa về, câu hát bất ngờ cất lên từ chiếc radio của nhà hàng xóm “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng, gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi…”, lòng con lại dâng trào nhiều xúc cảm khó tả. Bất chợt, con lại sợ đối diện với thực tại thiếu đi tình yêu thương của mẹ trong cuộc đời này, số phận đã mang mẹ đi… Bất giác, lại hiểu, niềm ấm áp nhất trong đời là có mẹ…
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc