Multimedia Đọc Báo in

Đôi đũa bếp của mẹ

09:34, 21/11/2014

Trong nồi cơm sớm chiều mẹ nấu, khi hạt gạo sắp chín tới mẹ dùng đôi đũa bếp xới vun lên cho ráo nước. Ngay lập tức anh em tôi chụm đầu vào nồi cơm đang ngùn ngụt lên hơi hít hà vui thú. Mẹ thừa hiểu cái bụng háu đói ngày chúng tôi còn bé nên mỗi bận nồi cơm đang sôi sùng sục, mẹ nhẹ nhàng đặt hai cây đũa bếp dưới hai quai nồi, tay giữ nắp tay nghiêng nồi rồi nhanh chóng chắt nước cơm vào bát. Những bát nước cơm thơm lừng, đặc sệt một thuở đã làm sáng bừng chái bếp liêu xiêu cùng tháng năm tuổi thơ nghèo khổ.

Bố hay nói nửa đùa nửa thật, rằng thường đũa bếp người ta chỉ dùng một cây thôi nhưng từ những cây tre già cỗi, bố đã vót hẵn cho mẹ hai cây đũa dài chừng bốn mươi xăng-ti-mét, to bằng ngón tay cái. Vậy mà khi vào bếp đôi đũa mẹ cầm trên tay tưởng chừng như lúc nào cũng hao hớt, cũ cằn. Tôi luôn ấn tượng ở hai đầu nơi cây đũa bếp của mẹ. Một đầu để mẹ xới cơm, gắp mắm, nếm canh, còn đầu kia mẹ để cời than, bưng nồi, vùi nướng. Một đầu vàng óng màu tre già vững chãi, còn đầu kia lầm lũi đen đúa, lặng lẽ hao mòn.   

Anh em tôi biết khôn lên cũng nhờ vào đôi đũa bếp của mẹ. Ngày còn bé con mỗi lần chúng tôi mắc lỗi, mẹ đã dạy dỗ bằng lời răn và những lần dùng cây đũa bếp phết vào mông. Có roi mây, có cán chổi lông gà đó nhưng mẹ không bao giờ đụng đến bởi mẹ sợ làm đau con, sợ lằn lưng lâu ngày mới khỏi. Điều đó khi lớn lên chúng tôi mới hiểu rằng cây đũa bếp ngày nao trên tay mẹ có lúc đã trở thành mực thước rèn cặp, uốn nắn vụng dại để ngày qua ngày hành vi chúng tôi trở nên đứng đắn hơn... 

    Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Ngày mưa, tháng rét cùng mẹ bên bếp củi đỏ lửa, đôi đũa bếp trở thành gần gũi lạ thường. Phải chăng do cơ địa con người hay vì ngày đó còn ăn bữa sớm lo bữa mai mà trong những tháng ngày heo may nước bạc cơn đói bụng kéo đến vô độ vô chừng. Những hôm lội nước chán chê, áo quần ướt sượt mà về nhà không bị mắng lại được mẹ ưu ái cho mẻ lạc rang, củ khoai lang lùi hay miếng bánh đa nướng than… cảm giác đứa nào cũng sướng rơn lên khôn tả. Miệng chúng tôi hau háu, mắt không chớp nổi khi nhìn mẹ đưa tay đảo đũa bếp trong mẻ lạc; khi mẹ lấy đũa cời những cục than nóng thành một vòng tròn lửa sáng rực để lùi khoai, nướng bánh...    

Đôi đũa bếp lặng thinh bên mẹ trước những biến cố vui buồn trong cuộc sống. Khi vui mẹ cời lửa rạng ngời, nhỏ nhẹ chuyện nọ đến chuyện kia. Lúc buồn khóe mắt mẹ đỏ hoe, cúi gằm xuống đôi đũa bếp chẳng nói chẳng rằng. Thời khắc ấy không hiểu sao bản thân tôi lại cảm thấy có lỗi với mẹ vô cùng. Thường ngày tôi vẫn tự hào là người gần gũi và hiểu mẹ nhất. Ấy vậy mà một vài giây phút lại để mẹ cô đơn; để mắt mẹ cay xè dựa dẫm bên cây đũa bếp nhỏ nhoi...

Bên cạnh gian bếp mới rộng rãi, tiện nghi hôm nay, vẫn còn đó chái bếp đun củi nho nhỏ mà chúng tôi xây cất lại cho mẹ. Mẹ giờ già nua, chân yếu tay mềm, thế mà mỗi khi khỏe mạnh mẹ lại cầm đôi đũa bếp nhóm lửa, cời than, vừa lùi sắn, nướng bắp cho cháu vừa tỉ tê hết niềm vui, nỗi khổ, những lo âu, hạnh phúc mẹ đã trải qua. Có hôm không làm gì mẹ vẫn ngồi đó, nơi mà dù đi đâu, về đâu tôi vẫn thấy rưng rưng mỗi khi nhớ về… 

Nguyễn Tiến Dũng

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Con sông quê hương
16:13, 09/11/2014
Phố mùa đông
20:47, 01/11/2014
Bao la tình mẹ
08:34, 28/10/2014
Những chiều mùa đông
16:58, 27/10/2014
Xin lửa
12:21, 25/10/2014