Multimedia Đọc Báo in

Chờ đợi mùa xuân trong cánh hoa ngập ngừng

20:08, 22/02/2015

Mùa đông đã vào lạnh thật sâu. Rét cùng với mưa quyện vào nhau tê tái. Ấy là lúc, tôi biết mùa xuân đang lặng lẽ ủ mầm. Ấy cũng là lúc, tôi nhìn đâu cũng thấy tôi ngày thơ bé, lúi húi với những nhánh hoa xin được ở đâu đó về.

Ngày ấy, sân nhà tôi rất rộng, con ngõ lại dài. Chị em tôi đua nhau trồng những loài cây cảnh nhỏ xinh dọc hai bên con ngõ và làm thành hàng rào ngăn sân chơi của chúng tôi với sân vườn - nơi mẹ tôi cuối đông nào cũng xới đất gieo trồng đủ các loại rau quả. Có hai loài cây cảnh thường được chị em tôi ưu ái. Một là loài cúc tím, sợi hoa mềm như nhung và màu tím ấy như tím đến tận cùng, không có gì sánh được. Hoa mọc dại ven đường, chị em tôi đi một lúc đã có cả bó mang về, tha hồ mà cắm xuống đất đang mềm ra, chờ đợi. Loài cây thứ hai là cây lá nổ, với những đốm vàng xanh trên lá trông như cả ngàn sao lấp lánh. Cây này thì phải đến nhà bạn học mãi tận dưới cuối làng mới xin được.

Nhưng thứ hấp dẫn nhất với chúng tôi thuở ấy là những chậu vạn thọ trổ bông đúng vào đêm ba mươi Tết. Không biết ai đã vẽ ra trong suy nghĩ của chúng tôi rằng nếu thiếu màu vàng của những đóa vạn thọ cọ má vào nhau, Tết sẽ chẳng còn là Tết nữa. Thế là, chúng tôi nghĩ ra mọi cách để có được điều ao ước ấy. Nhà ai có vạn thọ, chúng tôi cũng rón rén vào xin, giọng líu ríu như đứng trước thầy giáo nói lời chúc mừng thầy nhân ngày 20-11. Tôi vẫn nhớ chuyện thằng Trung bị chú Bảy bắt khi đang ngồi coi tivi chung với chúng tôi trong căn phòng chật ních bọn con nít của nhà chú. Đêm mùa đông trời tối hơn mực. Chú Bảy quát: “Đứa nào mới nhổ mấy cây vạn thọ ngoài sân?”. Không đứa nào nhận, chú Bảy bắt cả bọn xòe tay cho chú… ngửi. Ngửi đến tay thằng Trung, chú túm lấy, bảo: “Mày to gan quá, giấu ở đâu, đem trả lại, không tao đánh nát đít bây giờ!”. Thằng Trung đúng là to gan thật. Mà, bạn đã bao giờ thử vò một nắm lá vạn thọ để hít hà mùi hương ấy chưa? Nếu chưa, thì tôi chắc chắn bạn không phải là trẻ con quê tôi rồi!

Tôi lại thấy tôi xớ rớ bên chậu cây nhỏ, tưới nước, ngắt lá sâu và cẩn thận đếm từng chồi hoa mới nhú, lòng khấp khởi đợi chờ, hy vọng có nụ hoa nào đó nở đúng đêm giao thừa. Tôi thấy tôi vuốt ve những bàn tay lá, như dỗ dành, nựng nịu. Tôi thấy tôi đứng khóc, nước mắt lăn dài khi bông vạn thọ đầu tiên đã trổ và nó bị…cùi. Vạn thọ mà cùi, coi như vứt đi rồi, vứt đi lặng lẽ, rồi nói với mấy đứa trong xóm là nó chết rồi, chứ để chúng nó biết mình trồng vạn thọ bị cùi thì sẽ cười cho. Bởi bọn con nít quê tôi, đứa nào cũng bảo, trồng vạn thọ bị cùi, là xui lắm, thi rớt chứ chẳng chơi.

Vạn thọ không chiều chuộng tôi, thì tôi tìm niềm vui bé mọn với mấy cây móng tay vừa nhú mầm vậy. Hoa móng tay đủ màu. Đỏ, tím, hồng, cam, cả màu trắng nữa. Giờ thì tôi biết, hoa móng tay có rất nhiều tên đẹp. Nhưng không có tên nào ấn tượng bằng cái tên mà chúng tôi ngày ấy đã gọi nó. Khi hoa tàn thì quả tụ hình, quả già thì bung ra cho hạt nương mình vào đất. Lúc này, quả như những chiếc móng tay xoắn vào nhau. Tên của  hoa có lẽ là một từ tượng hình trong hoàn cảnh đẹp đẽ như vậy. Rất hay mà, đúng không?

Rồi hoa xác trấu, hoa tí ngọ, mào gà. Cẩm tú mai, hồng thủy tiên. Cứ xới đất lên, cắm cây xuống chứ chẳng chậu hay lọ gì. Có năm, tôi vào gò, hì hục bới đất bứng cây địa lan về, cũng cắm xuống đất, chăm bón đàng hoàng. Nhưng chẳng mấy chốc, cây đã héo rũ ra. Lại ngẩn ngơ tiếc nuối, ăn năn. Loài địa lan ấy hình như chỉ ưa mọc dại, chẳng chịu nổi thứ gì khác ngoài nước mưa và khí trời.

Hoa ấy, cây ấy, nhỏ bé thôi, nhưng với chúng tôi, chúng có một sức hút vô cùng mãnh liệt. Trời mùa đông, rúc mình trong chăn ấm, nếu không có luống hoa kia, tôi chẳng thể vùng dậy học bài sớm, để còn vén sương mà đội cặp đến trường. Đêm mùa đông trời rét căm căm, tôi vẫn thỉnh thoảng soi đèn dầu nín thở ra sân xem có đứa nào nhổ trộm hoa không. Ngõ nhà tôi chưa bao giờ có cổng.

Hoa ấy, cây ấy, bao tháng bao năm rồi, vẫn âm thầm nhú mầm, hé nụ trong tôi. Cho tôi vẫn như quanh quẩn bên sân đợi chờ mùa xuân đến trong từng cánh hoa ngập ngừng. Cho tôi dẫu đã nghìn trùng xa tuổi nhỏ, vẫn luôn hoài nhớ về một thời thơ dại hồn nhiên như hoa cỏ mùa xuân.

Để sáng nay, tôi lại thấy tôi trong cô bé con 5 tuổi, háo hức khoe: “Mẹ ơi, đêm qua khi con ngủ, có ba cái búp nó thức, nó đã nở thành hoa rồi này!”.

Ngô Thị Thục Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.