Multimedia Đọc Báo in

CỖ TẾT CHIỀU BA MƯƠI

14:24, 21/02/2015

Ngày nhỏ, ấn tượng Tết đối với tôi chính thức bắt đầu vào ngày 30 tháng Chạp âm lịch; chính xác là chiều ba mươi, sau lễ cúng tất niên. Cũng có nhà cúng tất niên sớm - vào ngày 28 hoặc 29; nhưng nhà tôi thì luôn luôn vào chiều ba mươi mới cúng. Mà tôi cũng thích vậy.

Mấy ngày trước Tết lu bu đủ chuyện, thường kéo tới ngày 30 mới tạm gọi là xong. Nếu cúng vào ngày 28, 29 thì thường cúng xong ăn xong vẫn còn vô số chuyện bừa bộn phải xắn tay dọn tiếp; vậy đâu có “đà” Tết. Chỉ có cúng chiều ba mươi là ăn xong xem như… xong! Tết thật rồi đó! Quá lắm cũng chỉ làm ráng cái khâu… rửa chén là hết, sau đó thoải mái bày các trò Tết nhất ra chơi. Có sức thì chơi đến tận giao thừa để đón mừng năm mới. Sau đó lăn ra ngủ và sáng mai mở mắt dậy đương nhiên đã là mùng một Tết.

Chính bởi là cái mốc quan trọng, ấn tượng như thế nên lễ cúng tất niên và mâm cỗ tất niên chiều ba mươi luôn có tầm quan trọng đặc biệt trong tâm thức đứa trẻ tôi. Nó như tấm màn phân chia rành mạch hai thế giới, như cánh cửa thần kỳ đúng giờ khắc sẽ “úm ba la” mở toang ra trước mắt cho đứa trẻ tôi bước vào thế giới Tết nhất; cái thế giới cũng diệu kỳ tương đương… vườn cổ tích, mỗi năm chỉ mở cửa vài bữa và mở đúng mỗi một lần!

Cỗ Tết chiều ba mươi đương nhiên là… hoành tráng. Nhưng thực ra nó cũng chẳng hoành tráng hơn bao nhiêu so với mâm cỗ sáng mùng một cúng đầu năm hay mâm cỗ mùng bốn cúng tiễn ông bà: cũng thịt thà, rau dưa, nem chả… Có điều, cỗ ba mươi bao giờ cũng… ngon nhất, ngon ăn đứt các mâm cỗ Tết lần sau. Lý giải bằng căn nguyên vật chất cũng được: Ngày xưa, đặc biệt ở nông thôn, mức sống cộng đồng còn thấp; bữa cơm thường ngày đa phần kham khổ, chỉ giỗ Tết mới mong “thấy mặt” miếng thịt. Vậy nên cỗ Tết chiều ba mươi - bữa cỗ thịnh soạn đầu tiên sau một “chuyến đi dài” kham khổ đương nhiên là cực ngon. Còn những bữa sau thì ít nhiều cũng đã xuất hiện hiệu ứng “no xôi chán chè” nên cái ngon có giảm!

Ấy là căn nguyên vật chất, thuộc phần sinh học. Thực ra, mâm cỗ chiều ba mươi vô cùng ngon còn có căn nguyên tinh thần, tức nơi phần tâm lý. Đó là tâm lý xả hơi, thư giãn sau những ngày cuối năm bận rộn, mệt nhoài với bao chuyện lo toan; là tâm lý được đàng hoàng, chính thức bắt đầu “cuộc hành trình hưởng thụ”. Hưởng thụ gì? Thì hưởng thụ cái thành quả của nỗ lực bao ngày để tạo nên hương Tết, sắc Tết, vị Tết. Cuộc hành trình ấy, nói thật, không cứ trẻ con mà ngay người lớn cũng thích.

 …Và sắc hương mùi vị của Tết thì đang được “cụ thể hóa” - không đâu xa - ngay trên mâm cỗ Tết chiều ba mươi ê hề đủ món; mà món nào trông cũng… bắt thèm!

Y Nguyên


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm