Multimedia Đọc Báo in

Sông ơi

07:53, 23/05/2015

“Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê.” Một chiều ngồi nghe những ca từ mộc mạc ấy, lòng chợt da diết nhớ khúc sông nhỏ cuối làng. Ở nơi đó, tôi đã lớn lên với những năm tháng hồn nhiên, trong trẻo.

Tôi không biết dòng sông ấy bắt nguồn từ đâu? Chỉ nhớ rằng, khi biết theo chân lũ bạn trong xóm đi chăn trâu ngoài bãi, tôi đã thấy dòng sông êm đềm chảy qua cánh đồng như một làn tóc mềm mại buông dài tít tắp. Nước sông xanh biếc in bóng những lũy tre mọc sát bên bờ, in bóng mấy mái tranh nghèo nằm nghiêng lặng lẽ. Những buổi trưa hè nắng nóng, đám trẻ xóm nhỏ chúng tôi vẫn thường len lén trốn mẹ rồi ơi ới rủ nhau ra sông tắm mát. Chúng tôi cứ thế nhảy ùm xuống lòng sông với một niềm hân hoan tuổi dại. Tại đây, chúng tôi “tổ chức” thi bơi. Đến lúc bơi chán thì chơi trò té nước, chơi bóng chuyền bằng trái bưởi rụng. Sau mỗi ngày đằm mình dưới dòng sông chang chang nắng, da dẻ đứa nào đứa nấy cứ sạm đen dần. Vậy mà, đối với lũ chúng tôi, ngày ấy, chẳng có gì thú vị hơn được tắm sông mỗi trưa như vậy.

Minh họa: Trà my
Minh họa: Trà My

Dòng sông âm thầm chảy rồi bồi đắp phù sa để bãi bồi dọc theo hai bên bờ cứ thế rộng dần ra theo nhịp trôi năm tháng. Và rồi, như một lẽ tất nhiên, nơi nào có sông, nơi đó có ruộng đồng. Dòng sông cung cấp nước tưới cho lúa ngô xanh tốt bời bời. Nhớ những đêm trăng sáng, khi cây lúa bước vào thì làm đòng, đêm đêm, chị em tôi vẫn mang chiếc gàu sòng ra sông tát nước. Mẹ dặn: “Cữ cây lúa cuộn đòng cũng giống như người phụ nữ đang mang thai nên rất cần được chăm sóc bằng những điều kiện tốt nhất”. Vì vậy, chị em tôi cứ cố gắng tát được càng nhiều nước vào ruộng càng tốt. Ánh trăng tròn vành vạch tan loãng dưới lòng sông lấp loáng. Chúng tôi nhịp nhàng tay gàu múc nước mà cứ ngỡ như đang “múc ánh trăng vàng đổ đi”.

Mùa lũ về, dòng sông ngầu đỏ phù sa. Mặt sông như được nới rộng ra lênh láng. Những đám lục bình tím biếc theo con nước bạc dập dềnh trôi đi vô định. Bãi biền lúc này chỉ còn là những mảng màu thấp thoáng xa mờ. Cứ đến mùa này, cha lại chèo thuyền ra giữa lòng sông quăng chài đánh cá. Sau mỗi chiều lặn lội gió mưa, cha lại mang về cơ man nào cá trắm, cá mè, cá chép… Rồi đến mùa nước cạn, đứng từ xa nhìn lại, dòng sông giống như mội sợi chỉ nhỏ quanh co vắt qua cánh đồng. Ấy là mùa bắt ốc, mò cua, mùa mang sàng đãi cát bùn tìm hến. Mỗi mùa, dòng sông đều đem tới một thức quà khác nhau để tự bao đời nay, người dân chất phác quê tôi cứ thế nương tựa vào sông mà dần vượt qua những tháng ngày nghèo đói.

Con sông quê tôi chỉ là con sông nhỏ vô danh, con sông không gắn liền với những sự kiện lớn lao, nổi tiếng. Nhưng nơi đó đã ban tặng cho mỗi người dân trong ngôi làng này một miền ký ức yên bình, lấp lánh. Để một lúc nào đấy có thể soi lại chính mình trong dĩ vãng ngày xưa. Từ con sông này, cha mẹ gặp nhau, yêu nhau, rồi lấy nhau. Từ con sông này, chị tôi sang ngang về làm dâu đất khách. Từ con sông này, tôi mang ba lô rời xa quê nhà lên thành phố phồn hoa trọ học. Từ con sông này, những chân trời hy vọng mới đang dần được mở ra… Con sông quê hương thân yêu sẽ mãi luôn “dạt dào như lòng mẹ; chở che con đi qua chớp bể, mưa nguồn…”

Dòng sông quê bao đời nay vẫn miên man chảy mãi và bồi đắp cho cánh đồng tâm hồn của tôi những lớp phù sa ngọt ngào hoài niệm… Thương lắm, sông ơi!

Phan Đức Lộc


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(Video) Cùng kiểm lâm giữ rừng 
Bên cạnh lực lượng kiểm lâm chuyên trách giữ rừng, Vườn Quốc gia Yok Đôn với chính sách giao khoán rừng cho người dân vùng đệm đã “biên chế” thêm hàng nghìn người dân cùng chung tay bảo vệ rừng, trở thành cánh tay đắc lực giữ vững màu xanh cho đại ngàn Yok Đôn.