Multimedia Đọc Báo in

Khói nhớ

08:24, 04/07/2015
Lần đầu tiên tôi gọi được tên nỗi nhớ đến nao lòng trong mình, ấy là khi đang ngồi nhắm chặt mắt tựa đầu vào thành tàu đúng lúc tàu chạy ngang qua cánh đồng vùng trung du vào mùa gặt.
 
Khói sộc vào mũi tôi mùi rơm rạ đồng chiều, mùi của mùa màng, của những ký ức tuổi thơ. À, hóa ra đó là cái nỗi nhớ mơ hồ bao năm nay vẫn cồn cào chính lúc tôi ngồi trong nhà hàng gọi một tô cơm trắng, một đĩa cá kho; lúc chen chúc ở ngã tư đúng giờ cơm chiều nghe bụng đói mà mùi khói xe sộc vào mũi đến đuội người; hay lúc tỉnh giấc trưa thức dậy thấy cái kho ký ức trong mình cứ bồn chồn day dứt không yên, nhớ một cái gì đó không rõ nghĩa. Giờ thì đã gọi được nỗi nhớ ấy thành tên. Nhớ khói!
Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Bạn tôi người thành phố, quen ăn hàng quán hoặc có nấu một bữa cơm tươm tất tại nhà thì cũng là nấu bằng bếp gas, bếp điện, xa xưa hơn thì cũng là bếp than đầy khói độc. Thế nên khi theo tôi về quê nghỉ hè ngửi thấy mùi khói đốt đồng thơm mùi lùi nướng khoai sắn của lũ trẻ chăn trâu là bạn khoái. Bạn cứ một mực bảo đặc sản của quê đây chứ đâu, thành phố đầy đủ cả chỉ thiếu có bấy nhiêu thôi. Tôi kể bạn nghe về chuyện ngày nhỏ đi học về trưa, bụng đói nên suốt dọc đường đi cả bọn cứ tranh nhau ngửi khói mà đoán xem khói này đốt từ lá gì, rồi từ mùi khói mà đoán được món này là món gì. Bạn không tin ư? Thì khói củi bạch đàn có mùi hăng hắc, khói củi tre có mùi của rừng, khói rơm có mùi thơm của lúa lép… Này là mùi cá rán, mùi thịt kho tàu, mùi tỏi xào rau bí. Cứ thế rồi cãi nhau loạn lên quên cả cái đói cồn cào trong bụng, đoạn đường từ trường về nhà cũng vì thế mà ngắn đi đôi chút. Bạn nghe xong cười bảo “từ giờ trò chơi của chúng mình sẽ là đoán khói”. Vậy là bạn luôn là người ngồi sau xe, tựa đầu vào lưng tôi, nhắm chặt mắt hít hà mùi khói tỏa ra từ khắp các ngõ ngách, cung đường nơi miền quê chúng tôi qua. Để đến khi quay trở về thành phố bạn ví nỗi nhớ khói của mình như người thèm rau lâu ngày thấy ruột cồn cào, như những người đang yêu phải mà cách xa nhau. Nghe vậy, tôi chợt hiểu rằng, nào phải chỉ mình tôi mới biết nhớ đến “đặc sản” quê…

Ngoại bây giờ lưng còng, tóc bạc, nhớ nhớ quên quên. Chuyện ngày xưa ngoại kể lại thơm mùi cổ tích. Bao năm tháng trôi qua, khói nắng trôi trên tóc ngoại bàng bạc, trên vạt áo dài trắng tôi đến trường, trên ga tàu chiều đón bố mẹ tôi về sum họp. Lần này về nhà thấy ngoại kêu dạo này lúc nào cũng thấy khói nắng trôi trước mặt. Tôi nghe mà thấy buốt lòng bởi biết rồi đây, đến một ngày không xa ngoại sẽ không còn nhìn thấy gì, ngay cả màu khói nắng. Hiếm hoi lắm mới có dịp trở về ngồi bên ngoại ngắm khói nắng bay ngang mảnh sân nhỏ chênh vênh. Bạn từng hỏi khói nắng có mùi gì? Tôi nói nó có mùi kỷ niệm.

Bạn biết không, tôi nhớ cả mùi khói hương trầm bà thường thắp cho ông vào mồng một, ngày rằm. Trong khói hương bảng lảng lẫn tiếng bà lầm rầm nói chuyện với ông ở một cõi xa xăm nào đó. Tôi như được sống trong một thế giới khác, nơi ấy có ông, có những người thân mà tôi chưa từng một lần gặp mặt. Khói hương trầm là thứ khói vừa ấm áp, sum vầy vừa đắng đót chia xa. Tôi thường nằm trên chõng tre, ngắm bà mặc bộ quần áo gụ, hiền từ đứng giữa khói hương hệt như bà tiên vậy, khuân mặt bà phúc hậu vô cùng. Rồi tôi thiếp đi và bao giờ cũng là một giấc ngủ yên lành. Khi ấy ngoài vườn trăng thanh gió mát, vài tàu lá chuối lay động xôn xao cả góc vườn…

Tôi bây giờ cứ xa quê là như kẻ mất gốc, bói chẳng thấy khói bếp, tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy khói nắng đâu. Trong căn phòng trọ chật hẹp thường không có bàn thờ mà vì thế khói hương trầm cũng dần bỏ ký ức mà đi. Một năm độ mươi lần về quê, ai hỏi tôi cũng bảo về vì việc này việc kia nhưng kỳ thực vì nhớ khói mà về. Chỉ sợ mai này sống ở phố lâu ngày nhỡ quên khói thì thiệt thòi cho suốt phần ký ức còn lại của cuộc đời.

 Vũ Thị Huyền Trang


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Êm êm chiều hạ
15:20, 28/06/2015
Khúc hát đưa nôi
15:19, 28/06/2015
Khúc mưa
08:51, 27/06/2015
Chăn trâu đồng đêm
07:45, 13/06/2015
Cỏ níu chân người
08:29, 06/06/2015