Multimedia Đọc Báo in

Quà chợ

10:35, 04/05/2016

Ngày nhỏ, niềm vui lớn của tuổi thơ tôi là ngóng mẹ đi chợ về!

Hầu như ngày nào mẹ cũng đi chợ. Đi bán vài thứ sản vật nhà nuôi, nhà trồng: buồng chuối, buồng cau, dăm con vịt, con gà hoặc mớ cà dưa bí mướp… Vậy nhưng, ngày bán đi chợ đã đành; ngày không có gì bán mẹ vẫn cứ… đi. Quen chân, mẹ bảo, ở nhà buồn… Nói vui, chớ chắc mẹ siêng đi chợ không chỉ vì “quen chân”. Không bán thì mẹ đi mua chút thức ăn tươi về lo cơm cho cả nhà. Cha làm quần quật ngoài đồng, mẹ không đành lòng nhìn thấy bữa trưa cha trệu trạo nhai bát cơm khô thiếu cá thiếu canh. Còn nữa, mấy đứa nhỏ (là anh em tôi) cũng cần uống ăn đàng hoàng. Để lớn. Để bớt sinh bệnh sinh đau. Tiền ăn rẻ hơn tiền thuốc mà…, mẹ luôn chống chế với cha mỗi khi nghe cha phàn nàn chuyện chợ búa tốn kém!

Ấy là chuyện người lớn, nói biết vậy thôi. Lũ nhóc chúng tôi, thực tình, mong mẹ đi chợ, ngóng mẹ về chợ chỉ với duy nhất một mối quan tâm: quà chợ!

Có “sang trọng” gì đâu những món quà chợ quê xưa; những món quà đem cho con nít ngày nay chắc lắm đứa chê: vài chiếc bánh bò, gói kẹo bột túm lá sen, năm ba vắt cốm (bắp hoặc gạo nếp) rang nổ trộn đường đen, miếng kẹo dừa (hoặc đậu phộng) làm kiểu thủ công, sên đường đỏ chín tới, chế tràn lên giấy báo cắt vuông; khi ăn, ăn cả… giấy báo bởi không có cách nào gỡ sạch! Ấy vậy mà ngon, rất ngon. Còn phải hỏi, con nít quê xưa, mười đứa hết chín luôn ham đồ ngọt!

Mùa trái cây rừng, quà chợ sẽ đổi sang túi trái xay đen mướt, mìn mịn lông tơ, vài chùm sặc (loòng boong) vàng ươm hoặc xâu trái đỏ (dâu da rừng) chín chua chua ngọt ngọt. Đôi khi là túm sim ăn vào tím rịm cả môi răng, hoặc – sang hơn – trái mít nài (loại mít rừng, có mùi thơm đặc trưng, rất hấp dẫn) lớn chỉ độ chừng cái bát ăn cơm nhưng thơm điếc mũi! Đôi lần, mẹ “đổi món” sang các thứ trái cây nhà: xoài, ổi, mít, đu đủ…. Không hấp dẫn bằng; nhưng “có còn hơn không”, đành vậy!

Dịp “trọng đại” hoặc bạc tiền dư dả chút mẹ sẽ mua bánh cam (bánh rán bột nếp, nhân đậu trộn đường, nắn tròn, chiên vàng như quả cam), hoặc chuối chiên, hoặc bì chè, bì chanh muối ướp đá; những thứ “hàng cao cấp” lâu lâu mới “thấy mặt”. Còn nhớ, ngày anh tôi thi đỗ trung học, mẹ mừng, đi chợ về thưởng cho anh nguyên một… bịch chè ướp đá to!  Còn phải hỏi, anh tôi vốn rất khoái chè…

Dù tiền ít tiền nhiều, đi chợ mẹ cũng không quên quà chợ. Hôm nào lỡ vội, lỡ quên, lỡ… hết tiền, về, nhìn vẻ mặt buồn xỉu của mấy đứa con, mẹ xem chừng ray rứt lắm. Vậy nên, trong bộ nhớ của mẹ, gói quà chợ cho con chắc có tầm quan trọng không thua gì thịt cá  rau dưa; những món thiết yếu mẹ vẫn phải mua mỗi lần đi chợ! Mừng quà chợ đã quen, ngày nào mẹ không đi chợ là buồn, là thấy nhớ, thấy thiếu thiếu cái gì khiến đứa con cứ bần thần ra vô. Phải rồi, thiếu cái niềm vui sáng mắt hò reo, tranh nhau lục giỏ mỗi khi đón mẹ đi chợ về! Niềm vui trẻ con lắm lúc chỉ nhỏ nhoi có vậy.

…Mà không, không nhỏ; bởi ngoài cái ngọt thơm thông thường cố hữu, quà chợ của mẹ còn luôn thấm đẫm yêu thương, ngọt lịm tình mẫu tử; cho những đứa con thơ thụ hưởng từng miếng ngon không chỉ bồi bổ riêng phần thể chất mà còn dưỡng nuôi cả tâm hồn…

Y Nguyên


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Bâng khuâng mùa hạ
06:51, 02/05/2016
Bếp lửa chiều hôm
17:57, 23/04/2016
Khúc cỏ may
06:01, 16/04/2016
Hương ngọc lan
09:29, 28/03/2016
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.