Vầng trăng mùa hạ
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven biển thanh bình và thơ mộng. Làng tôi, mặt hướng ra đại dương bao la sóng vỗ, lưng tựa vào một nhánh của con sông Vệ bao đời mang phù sa đắp bồi cho làng mạc. Trong ký ức mênh mông trập trùng luyến nhớ, hình ảnh vầng trăng mùa hạ đẹp lung linh luôn thắp sáng tâm hồn, ru mãi đời tôi một thời thơ dại.
Không rộng cao bát ngát như ánh trăng mùa thu lồng lộng, vầng trăng mùa hạ có nét dịu dàng, tỏa nhẹ miên man. Trong những đêm trăng thanh, bọn trẻ chúng tôi nằm sóng soài trên cát biển, thỏa thích ngửa mặt lên trời ngắm vầng trăng mùa hạ đẹp đến mê hồn. Trời hè nóng nực, ra biển nằm hóng gió nồm mát rượi, tiếng sóng biển yêu thương vỗ nhẹ vào bờ là cái thú của người dân quê tôi thuở đó. Tôi không sao quên được những đêm trăng bắt đầu viên mãn, sau bữa cơm chiều, nỗi chờ đợi của bọn con trẻ chúng tôi chính là được ngắm vầng trăng to tròn nhô lên từ mặt biển. Nỗi đợi chờ ấy thánh thiện và trong sáng vô cùng, trở thành nỗi nhớ thiết tha đến bây giờ vẫn còn đằm sâu trong ký ức.
Minh họa: Trà My |
Đó là những đêm mùa hạ rất thanh bình, biển nhẹ nhàng du dương con sóng. Bất chợt mặt biển ửng lên một màu hồng rực rỡ phía đường chân trời xa xa. Bọn trẻ cả trai lẫn gái hồi hộp đợi chờ. Đúng là "trăng tròn như quả bóng, bạn nào đá lên trời" mà Trần Đăng Khoa đã cảm nhận. Ngồi trên bãi bờ, những cánh tay đưa ra tranh nhau như thể đòi ôm vầng trăng đang từ từ ló dạng. Một cảm giác thích thú đến lạ kỳ. Những thanh âm tuổi thơ xôn xao ầm vang cùng tiếng sóng cứ náo nức vang dội khắp làng chài bé nhỏ. Trăng tỏa rạng dần, ánh sáng sánh vàng chiếu khắp bãi cát trắng mịn. Khi ánh trăng tròn vạnh soi chiếu đủ đầy, bọn trẻ chúng tôi thi nhau bày đủ các trò chơi mà mình yêu thích. Nào đá bóng trên cát, chơi trốn tìm đối với con trai; đám con gái thì nhảy dây, chơi trò lò cò hay diễn văn nghệ bán vé bằng tiền lá... Hồn nhiên và trong trẻo, ánh trăng cứ thế rạng ngời sóng sánh cùng với tâm hồn thơ dại nơi miền quê nghèo khó.
Sau này lớn hơn, ánh trăng mùa hạ bắt đầu đèo bòng mênh mang nỗi nhớ. Hôm nào có trăng, tôi lại thẩn thờ đợi em bên chiếc cầu quê chênh vênh bé nhỏ. Chiếc cầu bắc qua dòng sông làng, nối liền hai thôn êm đềm thơ mộng. Bên phía em làm nghề nông, bên phía tôi làm nghề biển. Hôm nào trời có trăng, lại được nghỉ hè, bố mẹ mới cho em đi chơi một lát rồi về, tối trời thì chịu. Gần ba mươi năm trước, hầu hết các làng quê ta đều chưa có điện, mọi sinh hoạt về đêm hầu như phải nương tựa vào bóng trăng. Lòng tôi cứ thắc thỏm chờ mong những đêm trăng sáng, nhất là đúng kỳ nghỉ hè mới được đi chơi. Dòng sông quê đã từng soi đôi bóng hình bé nhỏ hai đứa, dù chưa nói với nhau một lời nào gắn bó, nhưng tình cảm dành cho nhau thì thật đậm sâu. Bây giờ ánh trăng ngày cũ vẫn hiện về mỗi tháng, dòng sông quê vẫn con nước thẫn thờ, nhưng chúng tôi thì hai phương trời cách biệt.
Thương lắm vầng trăng những ngày mùa hạ. Bây giờ đèn điện sáng trưng, mỗi lần về quê, cái cảm giác đợi chờ trăng lên của con trẻ không còn khấp khởi như ngày xưa nữa. Riêng tôi, lòng vẫn mênh mang một nỗi niềm thơ dại, ngóng đợi vầng trăng mùa hạ phía chân trời xa, khao khát lại được một lần ngắm ánh trăng nhô lên mặt biển để được đùa vui thỏa thích cùng đám con nít nơi làng chài quê cũ. Lòng bồi hồi chạnh nhớ dáng em bên chiếc cầu sáng ánh trăng mơ, có tôi đứng đợi thẫn thờ trong niềm yêu dấu.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc