Bình yên từ phía cổng quê
Đó là chiếc cổng sắt già nua, hoen gỉ. Lại có cánh cổng được đan cài thưa thếch bằng mấy thanh tre già chiếu lệ. Kỳ công nhất vẫn là cái cổng uốn lượn từ những cây chè tàu mà chủ nhân của nó đã giành cả đời mình để tỉa tót. Cổng quê là thế, không to tát, hiện đại, nhưng khiêm nhường, giản lược như chính con người quê nghèo khó, chân chất chỉ mong được yên bình, ấm êm mà ít màng đến những đổi thay phía ngoài lũy tre làng.
Minh họa: Trà My |
Cổng quê vì đặc tính mỏng mảnh và tạm bợ nên dường như năm nào nó cũng được dân làng sửa sang, không chỉnh lại trụ cổng cho ngay ngắn thì cũng làm mới cái then cài. Nội tôi có thói quen trồng những giống cây dây leo như hoa giấy, hoa lan tỏi, hoa ti-gôn… nơi hai đầu trụ cổng. Nối với cửa cổng là cái giàn được ông dựng bằng những thân cây tre nhỏ, ông dùng dây lạt buộc ngang buộc dọc thành cái giá đỡ vững chắc cho mấy thân cây dây leo thỏa thuê vươn mình khoe sắc. Dưới giàn dây hoa ấy, ông đặt một bộ chõng tre vừa làm nơi đàm đạo chuyện thế sự vừa tận dụng bóng mát cho đám cháu mặc sức vui vầy.
Nội tôi, người “sống chết” với cỏ cây, hoa lá là vậy. Còn đa số dân quê họ thích “mùa nào thức nấy” hơn nơi không gian cổng cửa nhà mình. Khi mùa xuân đến thì hoa bầu, hoa bí nở rộ đan kín cả cổng quê. Hè về có hoa thiên lý. Thu, đông thì cây gấc, chanh leo. Bởi thế mà trong suốt bốn mùa, hoa trái trên lối đi về nơi cánh cổng quê lúc nào cũng đung đưa, mời gọi. Không gian ấy từ lâu đã trở nên “bố cục” truyền thống, thành nét văn hóa làng quê bền vững với hoa cau vườn trầu, với giàn mướp, giàn bí nối tiếp chiếc cổng tre đơn sơ trước ngõ.
Trước đây, cổng quê rộn ràng và rực rỡ nhất trong ngày nhà có đám cưới. Cổng cưới do một người đàn ông khéo tay nhất trong họ chủ trì trang trí. Ông ta sẽ cắt cử đứa này đi kiếm tàu dừa, bẹ chuối, nhóm khác là bông lúa, buồng cau để bện, ghép tỉ mỉ từ tấm bảng “tân hôn”, “vu quy” đến hàng rào bằng tàu dừa với những ô cửa nhỏ đối xứng xinh xắn. Có nhà còn hái cả những bẹ cau chưa trổ, bóc nang ra, treo chúc xuống thay thế chiếc lồng đèn. Những cây chuối lực lưỡng đầy những quả to tròn, mướt mắt cũng được bứng lên để trang trí cổng cưới thôn quê. Làm cổng cưới là dịp họ hàng xúm xít lại bên nhau toàn nói chuyện sướng vui để chúc phúc cho tình yêu đôi lứa. Buổi đó, còn có thêm những dây pháo nổ nhuộm thắm cả cổng quê ngày cưới mà giờ nhắc đến nếu ai sống cùng thời như vẫn nghe tiếng pháo nổ đì đùng bên tai.
Sau bao nỗi mong chờ là phút giây tôi được trở về đối diện với cánh cổng quê. Sau những hồ hởi, reo vui là khoảnh khắc đứng tần ngần bên lối nhỏ đi về quen thuộc mà sao thấy lòng khấp khởi, bình yên đến lạ. Chỉ cần luồn tay mở then là có thể nhấc cổng bước vào nhưng tôi thích cảm giác được mẹ cha, em nhỏ xăm xắn chân trần, mắt môi vang tiếng cười reo chạy ra mở cửa. Với tôi, khung cảnh ấy vừa thắm thiết tình quê vừa đong đầy nghĩa lý cuộc đời. Nó quý giá hơn bất cứ tặng phẩm đẹp đẽ nào trên đời mà ai đã đi ra và trở lại quê kiễng đều không thể chối từ.
Không biết bao lần tôi đã chùn chân trước những cánh cổng nhà ở nơi phồn hoa phố xá với tường cao, chuông điện. Đó là điều hiển nhiên để đề phòng bất trắc và thiết lập mỹ quan cho nhà phố và đô thị, nhưng không hiểu sao tôi lại e dè khi đối diện với khung cảnh ấm no trong ồn ã, chật chội ấy? Và rồi cánh cổng của “mùa nào thức nấy”, của nơi chốn một thuở khóc cười hồn nhiên lại xao động thức dậy, lại ùa về trong tâm tưởng.
Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc