Multimedia Đọc Báo in

Bình yên xóm nhỏ

14:52, 05/11/2017

Xóm nhỏ nằm lọt thỏm bởi những lối đi um tùm cây cối, bên cạnh là dòng sông nước quanh năm xanh biếc như dải lụa vắt ngang cánh đồng.

Thoang thoảng mùi hương của những loài hoa vấn vương vào tận cùng khứu giác. Nhất là những đêm yên trời rủ nhau mắc vội chiếc võng, trải vội chiếc chiếu cói ra hiên nghe tiếng bà nền nã bằng câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, xen lẫn trong tiếng quạt nan phe phẩy mà nghe như có hương bưởi, hương cau, dẫn lối ta trở về tìm lại tuổi thơ một thời xa vời vợi.

Xóm nhỏ vốn bình yên bao đời nay như chính cuộc đời của những phận người quê lam lũ chẳng màng đến những điều hào nhoáng, xa hoa. Quan niệm của những phận người bình dị nhờ vậy mà đơn giản biết bao. Nhà cửa cũng chẳng cần quá khang trang, tươm tất, miễn là có chỗ ngả lưng sau một ngày ra đồng cày sâu cuốc bẫm. Bữa ăn cũng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy, gạo thì của nhà trồng được, thèm con cá chỉ việc vác cần ra ao ngồi một chốc lát thôi là có ngay nồi cá kho tiêu hoặc tô canh chua nấu cá ngon lành. Tất thảy đều là cây nhà lá vườn, thậm chí mấy vạt rau dại mọc đầy ngoài vườn cũng trở thành tô canh mát lành qua những trưa nắng nóng như đốt, như thiêu.

Minh họa:: Trà My
Minh họa: Trà My

Lũ trẻ con sinh ra rồi lớn lên đã quen với những điều giản dị trầm lắng. Buổi sáng vỡ òa bởi tiếng gà gáy le te rộn vang khắp làng trên xóm dưới, tựa như chiếc đồng hồ báo thức thân thuộc. Người lớn dậy thật sớm nhóm bếp nấu vội bữa cơm lót dạ ra đồng cày cấy. Khói bếp thơm mùi rạ rơm buổi sáng ngùn ngụt bay lên trời, hòa quyện vào trong làn gió còn ẩm mùi sương đêm. Người lớn dắt trâu, cày cuốc ra đồng. Quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, bằng lòng chấp nhận những gì tạo hóa ban cho, mặc những cơn bão thỉnh thoảng vẫn ghé qua rồi bỏ đi để lại những xác xơ hoang hoải trong từng ánh mắt đượm buồn.

Trẻ con sau giờ học thì phụ giúp mẹ cha những công việc nhẹ nhàng. Đứa ở nhà coi nhà cửa, phụ gia đình quét nhà nấu cơm. Đứa thì vắt vẻo trên những lưng trâu trên bờ cỏ xanh mượt. Nhớ những xế chiều, khi ánh nắng chui tọt vào dải mây phía cuối trời, tụi trẻ con nơi xóm nhỏ tụ tập nhau về cởi truồng quẫy đạp nơi bến sông quê, bỏ mặc tiếng mẹ cha khản giọng gọi con trở về trong cái nhá nhem của ánh chiều.

Người ở phố tìm về xóm nhỏ như để chạy trốn những ồn ào náo nhiệt hàng ngày bủa vây. Về để hít hà những làn gió thoảng qua trên cánh đồng đang mùa lúa chín. Về nghe tiếng sáo diều vi vút trên đỉnh ngọn tre trong nhá nhem chiều tàn. Về bưng bát cơm gạo mới chan với bát canh tập tàng nấu từ những ngọn rau dại nơi mảnh vườn thưa đủ để ấm lòng những mảnh đời xa xứ. Để nghe tiếng bà bắt đầu từng câu chuyện dở dang bằng tiếng ho sù sụ át cả tiếng mưa lộp độp trên mái nhà. Để rồi khi phải rời xa xóm nhỏ trở về nơi thị thành, người bồi hồi, kẻ ngập ngừng chẳng nỡ rời xa.

Xóm nhỏ bao đời rồi vẫn sẽ bình yên, giản dị như cuộc đời của người dân quê lam lũ. Những ai đã từng được sinh ra và khôn lớn sẽ chẳng thể nào quên được nơi làng xóm êm đềm. Những người già vẫn thường hay nhắn nhủ tới những ai đang còn mê mải theo guồng quay mưu sinh phố thị ngoài kia, biết dừng chân tìm về để được bình yên những khi chùn chân, mỏi gối. Bởi xóm nhỏ thì lúc nào cũng rộng tay chào đón những đứa con xa, tựa như người mẹ vẫn mòn mỏi đợi con tìm về để được chở che, an ủi.

Song Ninh


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Ký ức sông quê...
15:19, 28/10/2017
Về nghe gió hát
11:45, 22/10/2017
Về ngang mùa gặt
14:52, 15/10/2017
Heo may thương nhớ…
16:29, 08/10/2017
Lối cũ ta về...
05:52, 01/10/2017
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.