Multimedia Đọc Báo in

Bức họa làng quê

15:24, 28/11/2017
Quê tôi ngày ấy thưa thớt những mái nhà tranh. Làng mạc lác đác vài ba nóc nhà mọc lên, liêu xiêu giữa bạt ngàn ruộng đồng xanh tốt.
 
Những con đường đất dẫn vào làng thẳng thớm bởi vạt cỏ mềm mượt níu những bước chân. Tưởng như chỉ cần đứng từ xa, trên triền đê lộng gió ngay phía đầu thôn có thể ôm trọn ngôi làng bình yên tựa như bức tranh họa đồng trong tầm ngắm.

Nhất là vào những mùa lúa chín. Bức họa đồng quê ấy trở nên sinh động bởi màu vàng của ruộng lúa trúng mùa bội thu. Những chú trâu đen nhởn nhơ gặm cỏ trở thành điểm nhấn trong chính bức tranh sơn dầu của đất trời tạo hóa. Vài đám mây bảng lảng, vài cánh diều chao liệng trên nền trời xanh càng làm cho khung cảnh làng quê trở nên sống động.

Sáng sớm tinh sương đã thấy người nối người quang gánh ra đồng. Rồi tối mịt trở về nhà với đôi vai nặng oằn lúa thóc. Người quê tôi một năm có hai mùa bận bịu như thế nhưng ai cũng cần mẫn, không chút nề hà.

Xế chiều, những sợi khói bếp ngùn ngụt bay lên, theo cơn gió mơn man trôi về phía chân trời xa. Mặt trời như hờn dỗi những hạt ngọc vàng óng, thu những sợi nắng lung linh chui tọt vào đám mây xam xám lững thững trôi đi. Chẳng thế mà tưởng chừng như ngày tàn nhanh hơn dưới mặt nước sông quê im lìm, cho lũ gà con nhốn nháo tìm bầy dưới bụi riềng, bụi sả, chim chíp gọi nhau sau một ngày dài đẵng bới đất tìm mồi.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Trên khóm tre, cây vối sau hồi, lũ sẻ nâu ríu ran gọi nhau bay về ngơi nghỉ. Mùa chim làm tổ gắn liền với mùa lúa chín vàng nơi cánh đồng quê. Tụi trẻ con có thêm những dịp tụ tập nhau đi bắt cào cào châu chấu, xâu lại thành từng chuỗi từ cộng cỏ may, cời lửa từ sợi rơm, gốc rạ mà nướng lên, thơm lừng cả một góc làng quê yên ả. Tiếng cười nói giòn giã, miệng nhồm nhoàm nhai những chú cào cào ăn lúa béo ngậy như một món quà quê dân dã, rôm rả dưới ánh chiều rơi.

Là những đêm trăng sáng vằng vặc. Người nối người đẩy những chiếc xe thồ đựng đầy rau củ ra huyện cho kịp buổi chợ phiên. Tiếng chó sủa râm ran, tiếng bánh xe cọ vào nhau, ma sát dưới mặt đường đất theo từng bước chân như tiếng người hành quân trong đêm mặc vốc gió vờn qua se lạnh. Có tiếng khóc của mấy đứa trẻ con thiếu hơi mẹ vỡ òa trong cơn gió mùa đông chớm về, rồi im bặt bởi tiếng ru hời của bà.

Tôi tìm về bên cánh đồng lúa vàng thơm một ngày cuối năm chộn rộn. Những mái nhà tranh xiêu vẹo trong tiềm thức giờ đổi thành những nóc nhà ngói đỏ khang trang. Chỉ có những con đường đất dẫn vào làng thì vẫn vẹn nguyên, mềm mượt những đám cỏ ấu trườn mình ra níu bước chân những người con xa xứ bỡ ngỡ trở về.

Lũ trẻ con đang mải miết đuổi theo cánh diều chao liệng, khựng lại chỉ trỏ với đám bạn ra điều có người ở nơi khác mới về thăm quê mình. Người lớn thì cặm cụi làm cho xong công việc đồng áng dang dở nhưng cũng niềm nở mở lời chào hỏi những người từ xa mới tới, khiến lòng những đứa con xa quê đột nhiên chùng xuống, nghĩ về những tháng ngày xưa cũ mà tiếc nuối rưng rưng.

Bức họa làng quê muôn đời vẫn không hề đổi thay. Ví như câu chuyện của những người già kể cho đám trẻ con thì luôn luôn tồn tại. Và cả  tấm lòng của những người con xa quê lâu ngày trở lại, vẫn dạt dào miền xúc cảm khôn nguôi.

Song Ninh

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.