Multimedia Đọc Báo in

Dịu dàng những buổi sáng quê…

18:13, 02/12/2017

Sáng quê, tỉnh dậy chỉ thấy xung quanh là những thanh âm bình yên và nồng ấm. Nắng lú nhú trên mấy rặng bạch đàn cao tuốt phía bờ đê, xa xa là lũy tre làng gồng mình khẳng khiu như dáng người làng già nua, ngày nối ngày khắc khổ.

Lũ chim sâu ríu rít phía sau đầu hồi, lích chích tiếng đàn gà gọi nhau rời chuồng bới đất tìm mồi quanh quẩn nơi góc giếng bờ ao. Nghe tiếng gió lả lơi bén vào trong cánh cửa theo thời gian đã gần như mối mọt.

Bếp lửa nhen nhóm cho kịp ấm chè buổi sáng kề cà bằng câu chuyện dang dở đêm qua của các ông các chú. Đó như một thói quen không dễ gì xóa bỏ. Người dân quê không quen với những bữa ăn sáng nếu không có việc đồng áng nặng nhọc phải làm. Buổi sáng chỉ cần vài ba chén nước chè xanh, hãm qua vài ba lần nước sôi cho khỏi chát là ổn. Đất quê rộng rãi, dăm bảy cây chè xanh găm xuống đất, qua mấy đợt mưa nắng là bật lá xanh tươi. Những loài cây ở quê coi vậy mà dễ sống, chẳng phải cần mẫn tưới tiêu, chẳng phải ngó ngàng chăm bẵm mà cứ vậy đẻ nhánh, đâm chồi xanh tốt. Ví như mấy bụi chuối, bụi riềng, bụi sả… tự nhiên chẳng phải chăm bón gì mà quanh năm vẫn cứ cho hoa trái đều đặn.

Nhớ nhất là mấy ấm chè lá ướp từ cánh sen, bà tôi thường phơi thật khô rồi bọc cho thật kỹ. Chỉ khi nào nhà có khách quý, tuốt tận thành phố trở về, mà phải là khách ở thành phố chính cống mới được thưởng thức ấm chè sen buổi sáng thơm ngất thơm ngây. Hoặc những dịp lễ tết bà mới bỏ ra mà pha đãi khách để bày tỏ tấm lòng thơm thảo.

             Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Người quê bao đời nay vẫn giản đơn, chân chất, nhà có gì ngon đều để dành đãi khách. Cũng nhờ có những câu chuyện của người già thủ thỉ trong đêm khuya thanh vắng rằng bắt ít gà, giăng ít cá gửi về thành phố làm quà mới hiểu hết tấm lòng người quê. Nên có những khi nghe tin con cháu ở phố về chơi là cả nhà sửa soạn làm cơm đãi khách tươi ngon vô cùng.

Những buổi sáng quê quấn quýt bao mùi hương từ khóm hoa mơ, hoa cúc ngoài vườn nồng nàn khó cưỡng. Mùi của đóa hoa nhài trồng ở góc sân quyến luyến, mấy chùm hoa bưởi trái mùa trắng ngần nõn nà xòe cánh bung biêng. Dịu dàng trong gió là mùi hương dịu nhẹ từ ấm chè sen sáng tinh mơ bà  thức dậy nấu nước, lẫn trong đó là những thanh âm rin rít của mấy điếu thuốc lào bảng lảng bay lên, lả lơi theo vốc gió còn đậm mùi sương đêm chưa kịp tan ra buốt lạnh. Tiếng chuông chùa man mác níu nhẹ những tấm lòng thành tâm hướng về cõi Phật. Và nắng lên sưởi ấm kiếp người…

Lâu lắm rồi mới được về thăm lại làng quê xưa, sau những mưu sinh nhọc nhằn quánh đặc mùi bụi phố. Lòng chuếnh choáng bởi những hoài niệm tưởng đã lãng quên nay bỗng nhiên thức tỉnh. Chỉ có những người quê mới hiểu được tấm lòng của bao phận đời xa xứ bủa vây, quay cuồng trong những vất vả mưu sinh. Và cũng chỉ có người quê mới rộng lòng đón tiếp những kẻ tha hương, hết lòng như đón chào một vị khách quý trở về nơi quê mùa, nghèo túng. Bởi ai cũng hiểu ở phố thì đâu thiếu thứ gì, chỉ tình người thì luôn eo hẹp.

Những buổi sáng quê không ồn ào náo nhiệt, cứ êm đềm tựa lời ru của mẹ thuở ngày rất xưa. Những đứa con xa quê theo guồng quay vội vã thị thành cứ chạy theo những xa hoa phù phiếm, đâu hay rằng có những người mẹ vẫn mòn mỏi đợi con trở về. Để rồi một sớm mai thức giấc bên ấm chè sen, hương khói rạ rơm thơm lừng, chợt nhận ra bên mình còn một chốn để trở về dịu dàng những sáng ban mai.

Song Ninh


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Bức họa làng quê
15:24, 28/11/2017
Chiều êm đềm trôi
10:00, 26/11/2017
Mái nhà bình yên
15:20, 11/11/2017
Bình yên xóm nhỏ
14:52, 05/11/2017
Ký ức sông quê...
15:19, 28/10/2017
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.