Multimedia Đọc Báo in

Nợ quê cả một trời thương nhớ...

10:01, 29/12/2017

Trong cuộc đời mỗi con người chúng ta có nhiều nỗi nhớ chẳng thể gọi tên, nhưng cũng không đến mức vô ưu để chúng trôi tuột vào quên lãng. Dù thời gian có lúc chảy trôi như dòng sông quanh co bên bồi bên lở như những phận người quê tảo tần, lam lũ.

Ấy là những năm bom đạn trút trên mái nhà, lửa khói bao trùm cả một khoảng trời quê xám xịt. Bát cơm quê độn với khoai sắn cũng ấm lòng bao lớp người những xế chiều chập choạng. Thậm chí mấy ngọn rau đắng ngoài vườn cũng trở nên ngọt bùi hơn bao giờ hết, bởi cái đói chẳng chừa cơ hội cho ai được quyền lựa chọn thiệt hơn.

Nợ dáng bà lầm lũi sớm hôm ra sân ngóng đợi những đứa con đi xa mãi chưa trở về. Nhất là những đêm trời bỗng đen kịt vì khoảng mây kéo đến, che lấp cả khoảng trời quê trăng thanh gió lặng. Nghe tiếng dì Út nỉ non ru hời đứa con hoang sinh ra đã chẳng một lần thấy mặt cha của nó. Ngay cả mái tóc dài đen nhánh, cũng không thể nhớ bao lâu rồi dì chẳng chải chuốt như thuở thanh xuân. Cả đời dì chăm bẵm mấy đứa cháu bơ vơ, mẹ cha bỏ đi biệt biền vì miếng cơm manh áo, tủi thân nơi đất khách quê người. Ấy vậy mà ông trời còn nhẫn tâm lấy đi của dì một chỗ dựa vững vàng, để mình dì lay lắt như ngọn đèn trong bóng đêm mù khơi…

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Nợ sợi khói chiều ngộp mùi rạ rơm một lời cảm ơn trong cảnh chiều đông hun hút, ngày ta trở về tìm lại mộ phần của những người thân đã khuất nơi đất lạnh bạt ngàn cỏ cây. Mùa gạo mới còn vẹn nguyên, mấy miếng cơm bén lửa cháy vàng giòn rụm thuở nào vẫn bung biêng theo miền nhớ. Ấy là hôm ta mắc phải cơn mưa chiều tê tái, bà hốt hoảng ra vườn xén vài ngọn sả, ít lá tía tô, hương nhu, đào thêm củ gừng nấu thành nồi lá xông to bự chảng để xông cho cơn cảm lạnh vơi dần. Bát cháo hành thơm nức, bà ngồi ân cần bón từng thìa cháo cho đứa cháu mồ côi, thi thoảng đưa vạt áo quệt ngang khóe mắt chi chít những lằn chân chim. Nhớ mùa hoa cau bà gom vào trong túi mà giấu nhẹm đi từ sáng tinh mơ, khi đàn gà còn chưa đi kiếm mồi. Sợ đứa cháu thơ nhìn thấy hoa cau trổ bông sẽ ngây thơ hỏi về cha mẹ, vì bà bảo rằng mùa hoa cau nở mẹ cha sẽ trở về...

Nợ tiếng gà ngủ mê năm canh nhưng vẫn le te gáy để báo thức cho ông thức dậy chèo đò ra sông giăng lưới những đêm yên bình. Nghe mùi tanh nồng của những cá những tôm níu mãi trong ngọn gió trời lả lơi bén vào tận cùng thớ vải, trên chiếc áo đã cũ nhàu ông khoác vội trên vai. Oàm oạp tiếng mấy con vạc ngoài sông vỗ cánh bay đi khi nghe tiếng sóng gợn lên dập dềnh đám lục bình tím rịm.

Ta trở về với quê sau những tháng năm tất tả nơi xứ người. Lòng ngậm ngùi khi vừa đặt bàn chân xuống con đường quê ngạt mùi hoa bạch đàn mùa này hăng hắc nở. Nghe tiếng thở quyện vào cùng sợi khói cay cay. Thấy đời mình may mắn biết bao, bởi sau bao nổi trôi, đã có khi ta tưởng mình sẽ lớn lên và bao diệu vợi ký ức ngày xưa theo đó mà lãng quên như mây khói. Hít căng lồng ngực một ngụm gió trời khô rát, ta thấy mình nhỏ bé như ngày lên bốn, lên năm cùng bà ra giặt áo nơi bến sông. Sóng ở trong lòng dâng lên, ta thấy mình chợt yếu mềm hơn và khóe mắt bỗng rưng rưng.

Song Ninh


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.