Multimedia Đọc Báo in

Xa vắng mùa sim…

15:53, 29/12/2017
Những đứa trẻ lớn lên từ làng quê đồng ruộng chúng tôi bao giờ cũng níu giữ cho mình vài mùa ký ức. Nhớ hương thị, hương sen.
 
Nhớ mùa cốm, mùa cọ. Nhớ màu đỏ của hoa gạo, màu tím đau đáu của những cánh bèo trôi nổi. Rồi mùa thu lại nhớ da diết những đồi sim trung du với quả chín ngọt lịm cả tuổi thơ nghèo khó. Có những giấc mơ sẽ lặp đi lặp lại trong cuộc đời mỗi người. Như tôi năm nào cũng mơ thấy mình đầu trần chân đất cầm chiếc rá tre lặn ngụp giữa rừng sim tháng tám. Những tiếng cười ấu thơ cũng trở về vẹn nguyên trong trẻo như chưa từng có vết dấu khắc nghiệt của thời gian. Lúc tỉnh dậy tưởng còn nguyên vị ngọt của sim chín trên môi. Hóa ra giấc mơ cũng nhớ mùa mà lần tìm ký ức.

Nó gợi nhớ những thứ ta thiếu hụt trong đời sống thực tại. Bởi làm sao có thể nhìn thấy được những quả đồi tím lịm mua sim của thuở nào. Người ta san đồi xây nhà, làm trang trại, trồng những giống cây công nghiệp mang lại lợi nhuận cao. San mất dấu luôn cả chút tài sản còm cõi của tuổi thơ. Bởi đời sống này không có chỗ cho những thứ vốn không sinh ra lợi nhuận. Chỉ có những đứa trẻ là thiệt thòi, mà khổ nỗi chính chúng đôi khi cũng không biết là mình rất đáng thương. Thiên nhiên nghèo nàn không cất nổi tiếng réo gọi tuổi thơ. Nên trẻ nhỏ quê tôi bây giờ ngoài chúi đầu vào sách vở thì chỉ biết đến bàn bi-a và trò chơi điện tử. Những thứ ấy đâu có nuôi dưỡng được tâm hồn chúng. Cứ gì đâu thành phố, ngay ở làng quê thì tuổi thơ cũng đi vắng mất rồi…

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Mẹ nói bây giờ muốn ăn sim là phải ra chợ ngóng tìm người bán để mua. Cứ mười ngàn một bát nhỏ, chỉ thấy toàn người già mua cho con cháu. Trông đã biết là sim chín ép, còm cõi và chua loét. Nhưng bỏ mười ngàn mua một bát ký ức dẫu chẳng vẹn nguyên thì cũng bõ bèn. Để thằng nhỏ sáu tuổi ngơ ngác hỏi “bà ơi, quả gì đây?”. Lại có cớ ngồi thủ thỉ với nhau kể về một mảng màu đã mất của làng quê yêu dấu. Mà có xa xôi gì đâu, mười năm trước mẹ thằng nhỏ vẫn còn lên rừng hái sim đựng vào vạt áo. Những chú chim chào mào còn biết chờ đợi mùa đũm chín, đỏ gì mà đỏ tươi roi rói. Chưa chạm bằng môi, chưa nếm bằng lưỡi đã thấy thỏa thê con mắt. Dưới những tán cây thơm mùi quả, ngập sắc hoa, đẫm tiếng chim chuyền trẻ con sẽ bắt đầu nói về những giấc mơ bay bổng. Tâm hồn chúng tươi xanh như lá, chạm vào đâu cũng thấy mềm êm. Tuổi thơ tôi cũng từng được vun vén vỗ về bởi người mẹ thiên nhiên. Bằng tất cả sự dịu dàng trong trẻo và bao dung vốn có. Nếu có thật những chiếc vé trở về tuổi thơ thì chắc hẳn đắt mấy ta cũng cố mua bằng được.

Lần trở về nhà gần nhất thấy những chiếc xe tải chở đất chạy ầm ầm. Cả quả đồi trước nhà máy xúc đang hoạt động hết công suất cho kịp tiến độ. Đất nước phát triển là điều đáng mừng và làm sao tránh khỏi phải đánh đổi cái này để mang về cái khác. Người dân vui mừng vì có đường cao tốc đi lại nhanh, thuận tiện. Nhiều hộ dân cư còn được đổi đời khi cả cánh rừng khô cằn sỏi đá giờ được nhà nước đền bù một số tiền không hề nhỏ. Chỉ có vài người hoài niệm là tiếc nuối. Chẳng phải chỉ vì thương cho ký ức của mình mà thương cả phần tuổi thơ thiếu hương sắc của những đứa trẻ sau này.

Bây giờ thỉnh thoảng thấy người ta rao bán quả sim rừng trên mạng. Vài chục ngàn một ký dùng để ngâm rượu uống. Rượu sim ngọt, dễ uống. Người ta còn nói nó có tác dụng dưỡng huyết. Rượu sim thì bổ thận, tráng dương. Nên có anh nông dân ở Quảng Bình từng bị gọi là “điên” khi trồng sim dại giờ thu được cả trăm triệu đồng bán sim. Dẫu những đồi sim hồi sinh không phải để dành cho lũ trẻ và những người lớn ưa hoài niệm. Thì tôi vẫn thấy vui vì những mùa quả ngọt trần gian còn có sim rừng.

Vũ Thị Huyền Trang
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.