Multimedia Đọc Báo in

Nhớ gì như nhớ giêng hai…

08:57, 29/03/2018

Giêng hai là một khẩu ngữ ước lệ, dùng để chỉ tháng một và tháng hai âm lịch. Vậy nhưng, hãy đừng tách rời, mà cứ gọi là giêng hai như thế hẳn sẽ mặn mà hơn, đằm thắm hơn, giàu sức gợi hơn.

Ấy là khoảng thời gian khi mùa xuân còn dùng dằng níu áo người, những cuộc điền viên còn đeo nặng trong tâm tưởng, các chị, các cô còn chưa cởi bỏ áo khăn xúng xính mùa trẩy hội trong rộn vang chiêng trống đình làng. Là mùa của rét ngọt trăng non, của cỏ biếc xanh ngút ngát tận chân trời. Chưa bao giờ cỏ được xanh như thế, kiêu hãnh nhường thế. Cỏ là hiện sinh của sức sống mùa xuân mãnh liệt, khỏe khoắn, tươi mới, trong trẻo đến vô ngần.

Giêng hai, hoa xoan bời bời tím rụng, biêng biếc bến đò quê, xao xác đường làng. Loài hoa sở hữu hương sắc khiêm nhường ấy là một nét chấm phá đặc biệt, cưu mang cả một mảnh xuân quê, giàu ý niệm, xốn xang bao dự cảm đổi dời trên khuông nhạc thời gian, níu chân người bằng những luyến thương quay quắt. 

Giêng hai nhẹ tênh trong những làn mưa bụi tẩy trần, không đủ để làm ướt tóc người. Mưa bồng bềnh như sương khói, len lỏi phả vào mùa cái rét ngọt êm. Cái màn mưa giàu thi ảnh ấy đã chạm vào những khắc khoải sâu kín của thi nhân: “Tháng giêng mưa trên tóc/Những người đi lễ chùa/Theo giọt mưa cầu phúc/Tiếng chuông từ bi mơ”. Và, những hạt ngọc tháng giêng hồn nhiên ấy cứ vô tư thêu tình lên môi, lên mắt: “Tháng giêng mưa dưới bến/Mỏng mai cô lái đò/Mắt mưa em lung liếng/Trói tôi bằng vu vơ” (Nguyễn Việt Chiến).

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Giêng hai, mùa trẩy hội. Xập xình áo khăn, náo nức chiêng trống hội làng. Trên một đất nước giàu bản sắc văn hóa, có cả hàng ngàn lễ, hội trong năm, dường như tất cả những gì tinh hoa nhất, độc đáo nhất, thiêng liêng nhất đều dồn tụ vào mùa giêng hai. Ở đấy, những ước nguyện đầu năm cũng bịn rịn theo chân người lên chùa. Người người gửi vào lời khấn nguyện những cầu mong mới theo khói hương bảng lảng lên trời, để thấy tâm mình tịnh hiền những ngày hành hương về cõi Phật. Lễ chùa đầu năm, trong tiết giêng hai, tự bao giờ đã trở thành một nét đẹp tín ngưỡng bền vững trong tâm linh người Việt. Tiếng chuông chùa vọng vang một cõi yên bình, gột rửa tinh tươm những muộn phiền canh cánh, mang lại sự thư thái cho tâm hồn, nảy nở bao khát khao, ước vọng.

Giêng hai, mùa giáp hạt. Thảng nghe đâu đó một vài nỗi niềm lo âu khe khẽ của những người nông dân chuỗi ngày nhàn rỗi khi thóc trong bồ, ngô khoai trong chum đã dần vơi cạn…

Giêng hai, tạm biệt những ngày tết vội, người người lại bịn rịn dứt áo rời quê nhà xa xứ, gửi lại niềm day dứt khôn nguôi cùng lời hẹn hạnh ngộ. Hành trang của họ mang theo tới những vùng đất lạ là “gói nhân tình” đượm nồng, ấm áp được chắt chiu từ những ngày sum họp ngắn ngủi. Ân tình ấy sẽ hun đúc niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho bao dự định mới trên những dặm dài thiên lý.

Ôi, có giai điệu thời gian nào ngọt êm hơn những khoảnh khắc này. Nhớ gì như nhớ giêng hai!

Ngô Thế Lâm


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Ngõ quê thương nhớ
06:39, 18/03/2018
Về lại phố xưa
06:32, 03/03/2018
Bếp mẹ ngày xuân
16:16, 15/02/2018
Nồi cá Tết
15:53, 15/02/2018
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.