Multimedia Đọc Báo in

Những cơn mưa chất chứa nhớ thương!

08:10, 04/08/2018

Ai đã từng được “nếm” cái nắng của miền Trung sẽ hiểu nó rát bỏng, oi nồng đến như thế nào. Không quạt, lại càng không máy lạnh (vì ngày ấy quê nhà chưa có điện), chúng tôi cởi trần nằm lăn mình trên chõng tre, giành nhau quạt mo để phe phẩy, xua bớt đi cái nóng của mùa hạ.

Sợ lũ cháu thành thói quen, ngoại đã kể một câu chuyện rất “ly kỳ” rằng, nếu cởi trần nhiều (nhất là con gái), sau này toàn thân sẽ mọc nhiều lông như… lợn rừng. Ngày ấy, dù chẳng biết chúng là con gì, vuông tròn như thế nào, nhưng mỗi lần bị nhát lợn rừng, tụ tị, khái… lũ trẻ như chúng tôi đều sợ “chết khiếp”. Nghe lời ngoại, nhưng đám con trẻ vẫn thì thầm vào tai nhau, cầu mong những cơn mưa mùa hạ sớm về để được thỏa thích, vui đùa dưới mưa.

Dù đã thuộc lòng lời nhắc nhở của mẹ rằng, cơn mưa đầu mùa rất dễ bị bệnh, nhưng chúng tôi vẫn lén lút đứng trước hiên nhà, cố với đôi tay nhỏ xíu ra ngoài trời để được chạm vào dòng nước mát. Nếu người lớn sợ những cơn mưa đầu mùa thì lũ trẻ con chúng tôi lại háo hức mong chờ như người bạn thân lâu ngày không gặp.

Minh họa:  Trà My
Minh họa: Trà My

Hóng mãi, cuối cùng mây đen đã giăng lối, mưa đổ ào về. Chúng tôi í ới gọi nhau, lao nhanh ra giữa làn mưa để thỏa thích tắm, để được các hạt nước trong veo chạm vào da, mái tóc, gột bớt đi cái nắng oi nồng. Chúng tôi chạy từ nhà ra ngõ, vòng vèo quanh nhà, rồi khắp con đường làng, “nhập hội” với đám bạn mê tắm mưa như mình. Mưa đến đã xoa dịu nỗi nhớ, mang lại niềm vui, giấc mơ ngọt ngào, tiếng cười giòn tan và những mong ước bé nhỏ. Mưa đến, con đường làng, khoảng sân đất trước nhà… khoác lên màu tươi mới, trở thành “thiên đường” của đám trẻ.

Chỉ tắm không rất buồn, chúng tôi nghĩ ra đủ thứ trò: xếp thuyền giấy thả trôi theo dòng nước, nghịch bùn đất, thi đạp xe dưới mưa, chơi oăn tù tì, chẵn lẻ… để kéo dài thêm thời gian được hòa vào làn nước. Có hôm, mải tắm mưa, người tôi lạnh ngắt, lấm lem bùn đất, đầu tóc rối bù, nên bị mẹ la mắng, dùng đòn roi cấm cản. Tôi một dạ, hai vâng, nhưng rồi lại năn nỉ ỉ ôi để không bị vắng mặt, để được cùng “đồng bọn” hò reo trong những cơn mưa kế tiếp.

Niềm vui với tụi trẻ làng quê chỉ giản đơn vậy, thấy mưa thôi là đã vui rồi, nhưng nếu mưa đá về, niềm hân hoan trong lòng lại càng dâng lên khó tả. Ngày ấy, mưa đá rất hiếm, chờ “tỉ năm” mới có được lần, lại diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn. Thấy đứa bạn đồng niên há miệng hết cỡ, ngửa cổ lên trời, viên đá nhỏ rơi trúng miệng, cả đám vô cùng ngưỡng mộ, rồi bắt chước làm theo. Hòa cùng mưa, chúng tôi cứ thế, cười giòn tan, đùa giỡn hết mình, không sợ ốm đau, lại càng không ưu tư, phiền muộn…

Lớn lên rồi, “hương sắc” ngày mưa dường như cũng già theo suy nghĩ. Tôi không còn háo hức đợi mong mưa như những ngày thơ bé bởi biết rằng tuổi thơ không thể quay lại hai lần. Tôi lại càng không mong mưa đá bởi đã thấy rõ nỗi lo âu của người nông dân, những bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng tôi vẫn yêu mưa, bởi hình bóng, tiếng cười, rồi những câu chuyện “ly kỳ” mà ngoại kể ngày nào vẫn chập chờn hiện về, hòa theo làn nước. Thấy mưa, thấy lũ trẻ đùa nghịch cùng nước, tôi như bị đánh thức về những miền yêu chất chứa sự hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ mình.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Hái từ ký ức
08:49, 29/07/2018
Khói chiều mênh mang
07:57, 24/07/2018
Mát lành sông quê
08:47, 22/07/2018
Heo đất ấu thơ
08:51, 15/07/2018
Ký ức những mùa bóng
08:37, 08/07/2018
Dáng quê
08:55, 30/06/2018
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.